Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (14/08/2015) ]
Ảnh hưởng của thời vụ, phân bón đến năng suất và chất lượng giống Ngô Nếp lai trong vụ xuân (2013 và 2014) tại Quảng Ninh.
Nghiên cứu do các tác giả Đặng Văn Minh – Đại học Thái Nguyên; Trần Trung Kiên, Lê Thị Kiều Oanh – Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên thực hiện.

Ngô nếp lai HN88. (Ảnh: Sưu tầm)

Quảng Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam với hơn 80% đất đai là đồi núi. Đất nông nghiệp đang sử dụng là 75.370 ha, chiếm 12,3% diện tích đất tự nhiên (611.081,3 ha). Như vậy, quĩ đất nông nghiệp của tỉnh rất thấp, phải lựa chọn cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác. Cây ngô nếp là cây trồng đáp ứng được các yêu cầu trên, đồng thời phù hợp với một tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch.

Hiện nay, người nông dân trong tỉnh trồng ngô nếp áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác truyền thống nên năng suất và chất lượng còn thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy mà việc bố trí thời vụ và phân bón hợp lý sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng ngô nếp và đặc biệt là hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Xuất phát từ những cơ sở khoa học và thực tiễn trên, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của thời vụ, phân bón đến năng suất và chất lượng giống ngô nếp lai HN88 trong vụ xuân (2013 và 2014) tại Quảng Ninh”.

Nội dung nghiên cứu:

- Nghiên cứu ảnh hưởng của một số thời vụ gieo trồng trong vụ xuân (2013 và 2014) đến khả năng sinh trưởng, chống chịu, năng suất và chất lượng qua thử nếm của giống ngô nếp lai HN88.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của một số tổ hợp phân bón đến khả năng sinh trưởng, chống chịu, năng suất và chất lượng qua thử nếm của giống ngô nếp lai HN88 vụ xuân (2013 và 2014).

Phương pháp nghiên cứu:

- Thí nghiệm thời vụ gồm 5 công thức với 3 lần nhắc lại, diện tích 1 ô là 14 m2 (5 m x 2,8 m). Công thức (CT) 1 (gieo ngày 09/02), CT2 (gieo ngày 09/02), CT3 (gieo ngày 01/3), CT4 (gieo ngày 11/3) và CT5 (gieo ngày 21/3).

- Thí nghiệm phân bón gồm 6 công thức với 3 lần nhắc lại: CT1 (110 N + 50 P2O5 + 60 K2O/ha), CT2 (120 N + 60 P2O5 + 70 K2O/ha), CT3 (130 N + 70 P2O5 + 80 K2O/ha), CT4 (140 N + 80 P2O5 + 90 K2O/ha), CT5 (150 N + 90 P2O5 + 100 K2O/ha), CT6 (160 N + 100 P2O5 + 110 K2O/ha) trên nền 3 tấn phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, diện tích 1 ô là 21 m2 (5 m x 4,2 m). Khoảng cách 70 x 25 cm, mật độ 5,7 vạn cây/ha. Các chỉ tiêu theo dõi được tiến hành theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống ngô QCVN 01-56: 2011/BNNPTNT; quy phạm khảo nghiệm trên đồng ruộng hiệu lực của các loại phân bón đối với năng suất cây trồng, phẩm chất nông sản số 10TCN 2016 – 2003.

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả thí ngiệm thời vụ cho thấy: thời vụ trồng càng sớm trong vụ xuân (gieo ngày 9/2 và 19/2) thời gian sinh trưởng càng dài, năng suất và chất lượng ngô đạt cao hơn so với các thời vụ còn lại. Thời vụ gieo trồng có ảnh hưởng đến chất lượng thử nếm của giống ngô nếp lai HN88. Kết quả thí nghiệm phân bón chỉ ra rằng: Thời gian sinh trưởng và một số chỉ tiêu hình thái của giống ngô nếp lai HN88 tăng lên theo lượng phân bón; năng suất thực thụ (hạt khô) đạt cao ở CT 4 (140 N + 80 P2O5 + 90 K2O/ha), CT 5 (150 N + 90 P2O5 + 100 K2O/ha), CT6 (160 N + 100 P2O5 + 110 K2O/ha). Hiệu quả kinh tế đạt cao nhất ở CT4  (140 + 80 P2O5 + 90 K2O/ha) nền 3 tấn phân hữu cơ vi sinh sông Gianh/ha. Phân bón vô cơ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thử nếm của giống ngô nếp lai HN88.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và PTNT – Kỳ 1 – Tháng 6/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->