Mùa lúa chín tại vùng Tây Bắc. (Ảnh: Sưu tầm)
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ gieo và mức đạm bón đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống lúa cạn Nếp nương tròn. Từ đó xác định mật độ và mức phân đạm thích hợp cho gieo trồng lúa cạn tại vùng Tây Bắc Việt Nam.
Thí nghiệm hai nhân tố được bố trí trên ruộng cạn trong điều kiện canh tác bằng nước trời với ba mức mật độ gieo là 30 khóm/m2 (M1), 40 khóm/m2 (M2) và 50 khóm/m2 (M3), kết hợp với 5 mức phân đạm bón gồm 0 kg N/ha (NO), 40 kg N/ha (N1), 80 kg N/ha (N2), 120 kg N/ha (N3), 160 kg N/ha (N4) trên nền 60 kg P2O5 + 60 kg K2O/ha.
Kết quả thí nghiệm cho thấy tăng lượng đạm bón từ 0 kg N/ha đến 80 kg N/ha sẽ làm tăng chỉ số SPAD, cường độ quang hợp, số nhánh/m2, số bông hữu hiệu, tỷ lệ hạt chắc và năng suất thực thu. Ngược lại tăng mức đạm từ 80 kg N/ha lên 160 kg N/ha đã làm giảm năng suất do giảm quang hợp, số bông hữu hiệu/m2 và tỷ lệ hạt chắc/bông.
Ở mức đạm thấp (0 kg N/ha - 80 kg N/ha) khi tăng mật độ từ M1 đến M3 thì số nhánh đẻ tăng; chỉ số SPAD và cường độ quang hợp không có sự sai khác rõ rệt; số bông hữu hiệu và năng suất thực thu đạt cao nhất ở mật độ M2. Ở mức bón đạm cao (120 kg N/ha - 160 kg N/ha) giữa mật độ và mức bón đạm cho thấy hai công thức N2M2 và N3M1 có cường độ quang hợp cao; số bông/m2 và tỷ lệ hạt chắc/bông cao hơn các công thức khác, do đó năng suất đạt cao hơn, lần lượt là 41,7 tạ/ha và 41,3 tạ/ha.
Ở mức bón đạm khác nhau, mức bón 40 kg N/ha cho hiệu quả sử dụng đạm cao nhất, đạt 13,5 kg thóc/kg N. Trong các công thức thí nghiệm, hai công thức N1M1 và N1M3 cho hiệu quả sử dụng đạm cao nhất, lần lượt đạt 14,8 kg thóc/kg N và 15,3 kg thóc/kg N. |