Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (20/07/2015) ]
Kết quả nghiên cứu quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa và hiệu quả kinh tế của mô hình sinh thái tổng hợp Lúa – Cá – Vịt tại Thanh Hóa
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bá Thông – Trường Đại học Hồng Đức.

Ảnh: Sưu tầm.

Thanh Hóa là một tỉnh có vùng trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh, thường xuyên ngập úng khá lớn tập trung ở 9 huyện với diện tích trên 7.900 ha. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển mô hình sinh thái trồng lúa – cá – vịt sẽ phát huy được tác dụng tích cực trong hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao. Để có cơ sở nhân rộng mô hình lúa – cá – vịt trong những năm tới, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất của các giống lúa và hiệu quả kinh tế của toàn bộ mô hình tại Thanh Hóa.

Canh tác cây lúa trong mô hình sinh thái tổng hợp lúa – cá – vịt được tiến hành trong vụ xuân, vụ mùa năm 2013 và năm 2014 tại xã Hà Yên – huyện Hà Trung và xã Quảng Định – huyện Quảng Xương – Thanh Hóa trên đất phù sa không được bồi hàng năm có độ phì trung bình. Mỗi giống thực nghiệm tại 1 điểm nghiên cứu được bố trí 2 công thức: Công thức mô hình và công thức đối chứng, bố trí theo phương pháp khảo nghiệm sản xuất (ô lớn), diện tích mỗi ô 5.000 m2 nhắc lại 3 lần.

Công thức mô hình: Trồng lúa theo quy trình kỹ thuật kết hợp nuôi cá và vịt (8.000 con cá các loại đạt giống tiêu chuẩn và 400 con vịt/1 ha), giảm 1/3 lượng phân vô cơ, giảm 1/4 lượng phân hữu cơ và công chăm sóc, chỉ sử dụng thuốc trừ sâu bệnh khi thật cần thiết.

Công thức đối chứng: Trồng lúa, không nuôi cá và vịt, thực hiện theo quy trình kỹ thuật cho các giống lúa hiện nay, trên khu ruộng của nông dân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Canh tác cây lúa trong mô hình sinh thái tổng hợp lúa – cá – vịt đã làm thay đổi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của các giống trong vụ xuân và vụ mùa một cách đáng kể theo chiều hướng có lợi, giảm thiểu sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại và ốc bươu vàng; lãi thuần của công thức mô hình so với công thức đối chứng tăng thêm 3,15 – 4,86 triệu đồng/ha (trong vụ xuân), 2,98 – 4,04 triệu đồng/ha (trong vụ mùa). Lãi đối chứng trong toàn bộ mô hình (bao gồm lúa, cá và vịt) ở công thức mô hình trung bình trong 1 năm đạt 75,11 triệu đồng/ha (tại Hà Yên – Hà Trung), 92,05 triệu đồng/ha (tại Quảng Định – Quảng Xương) và trung bình tại 2 điểm thực nghiệm đạt 83,59 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận cận biên (MBRC) ở công thức mô hình đạt 2,27 lần tại Hà Yên -  Hà Trung và 2,63 lần tại Quảng Định – Quảng Xương và trung bình ở 2 điểm thực nghiệm đạt 2,46 lần. Chỉ tiêu này được nông dân chấp nhận và áp dụng rộng rãi trong sản xuất tại Thanh Hóa.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 2 – Tháng 5/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->