Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy, khi sử dụng than sinh học (TSH) với lượng 1,5; 3,0 và 4,5 tấn/ha có thể thay thế toàn bộ phân chuồng, 10 – 25 % phân đạm, lân và kali vô cơ trong khi vẫn duy trì được các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển bình thường của cả 4 loài rau. Khi bón TSH, một số chỉ tiêu sinh trưởng của cây trồng như chiều cao cây, đường kính tán lá đều tăng rõ rệt so với chỉ bón phân vô cơ. Mức độ nhiễm các đối tượng bệnh hại lây lan qua đất như bệnh chết ẻo cây con, bện thối nhũn bắp cải, bệnh héo xanh vi khuẩn cà chua, dưa chuột đều giảm rõ rệt. Một số chỉ tiêu sinh thực của cây cũng tăng đáng kể, rõ rệt nhất là khối lượng cây rau cải ngọt và bắp cải; số hoa/cây, số quả/cây và khối lượng quả của cà chua và dưa chuột. Do đó, năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của các công thức bón TSH đều tăng rõ rệt. Mặc dù chi phí của các công thức sử dụng phân chuồng và TSH cao hơn công thức chỉ sử dụng phân vô cơ nhưng do đạt năng suất và thu nhập cao hơn nên lãi ròng của các công thức sử dụng TSH và phân chuồng đều cao hơn công thức chỉ sử dụng phân vô cơ. Trừ công thức bón 1,5 tấn TSH cho bắp cải, tỷ suất lợi nhuận cận biên ở tất cả các công thức sử dụng than sinh học và phân hữu cơ để bón cho cải ngọt, bắp cải, cà chua hay dưa chuột so với việc chỉ sử dụng phân vô cơ đều >2, do đó đây đều là các kỹ thuật có thể khuyến khích áp dụng. Bón than sinh học kết hợp với hữu cơ và điều chỉnh lượng phân khoáng NPK đã cải thiện lý tính đất một cách đáng kể, tăng dung trọng, tỷ trọng và độ xốp đất, cải thiện được thành phần cơ giới đất theo hướng giảm tỷ lệ hạt có kích thước lớn, tăng tỷ lệ hạt có kích thước nhỏ. Ngoại trừ ba chỉ tiêu hóa tính của đất là nồng độ ion Ca++, Mg++ và K+, các chỉ tiêu hóa tính của đất như pHKCl, hàm lượng các bon hữu cơ (OC), hàm lượng N, P2O5, K2O, CEC đều được cải thiện rõ rệt.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ Thanh Hóa. |