Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (11/06/2015) ]
Hiện trạng và một số kịch bản giảm phát thải khí mêtan từ chăn nuôi bò thịt bán thâm canh quy mô nông hộ ở đồng bằng sông Hồng: Nghiên cứu trường hợp tại huyện Đông Anh, Hà Nội
Nghiên cứu do các tác giả Lê Đức Ngoan, Lê Đình Phùng, Lê Thị Hoa Sen – Trường Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Huế; Đinh Văn Dũng – Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế; Lê Văn Thực, Vũ Chí Cương – Viện Chăn nuôi Quốc Gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ramiéz-Ramiéz-Restrepo – CSIRO Agriculture Flagship, Agriculture and Food Security in Changing Worl Program, Ốt-Xtrây-lia.

Ảnh: Sưu tầm

Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu xác định sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nói chung và khí mêtan nói riêng ở bò rất ít công bố. Một trong những nguyên nhân là phương pháp xác định sự phát thải khí mêtan từ gia súc nhai lại gặp khó khăn, đặc biệt là khi gia súc chăn thả.

Trong những năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã không ngừng phát triển các phương pháp khác nhau để ước tính sự phát triển khí mêtan ở gia súc nhai lại. Trong đó, Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố phương pháp ước tính lượng khí mêtan phát thải từ lên men ở dạ cỏ của bò theo 3 lớp khác nhau gọi là Tier 1, 2 và 3 (IPCC 2006).

Hiện nay, Tier 3 có độ chính xác cao nhất dựa trên các thông tin về số lượng, chất lượng thức ăn ăn vào, tiêu hóa và trao đổi chất và sức sản xuất của gia súc. Phần mềm RUMINANT model được phát triển theo Tier 3 để hỗ trợ cho việc ước tính lượng mêtan phát thải từ đường tiêu hóa (Herrero et al., 2013). Phần mềm không phức tạp, có thể điều chỉnh để phù hợp cho hệ thống chăn nuôi ở nước ta.

Nghiên cứu thực hiện nhằm ước tính lượng khí mêtan phát thải từ bò thịt thuộc hệ thống chăn nuôi bán thăm canh trong nông hộ, trường hợp nghiên cứu ở huyện Đông Anh, Hà Nội theo Tier 3 của IPCC (2006) bằng phần mềm  RUMINANT model, đồng thời đề xuất một số kịch bản thông qua thay đổi khẩu phần ăn nhằm nâng cao sức sản xuất và giảm sự phát thải khí mêtan từ len men dạ cỏ.

Phương pháp nghiên cứu gồm:

- Đánh giá hiện trạng và ước tính lượng khí mêtan phát thải từ chăn nuôi bò thịt bán thâm canh ở các nông hộ

- Xây dựng một số kịch bản phát thải khí mêtan

- Xử lý số liệu

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy quy mô nông hộ thuộc hệ thống chăn nuôi bán thâm canh ở huyện Đông Anh, Hà Nội đạt 3,7 con/hộ, trong đó 39% là bò từ một đến hai năm tuổi. Hệ số phát thải khí mêtan từ đường tiêu hóa trung bình cho đàn bò là 41kg/con/năm. Tổng lượng khí mêtan phát thải do lên men dạ cỏ của bò ước tính trên hộ là 151,4 kg/năm tương đương với tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính là 3,78 tấn CO2eq/hộ/năm.

Tăng mức thức ăn tinh trong khẩu phần từ 1,0 đến 1,9% khối lượng cơ thể đã làm khối lượng của bò tăng 66,9% và giảm 26,0% tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính (kg CO2eq/kg tăng trọng) từ lên men dạ cỏ. So với cỏ voi ủ chua, sử dụng cỏ voi tươi hoặc cây ngô tươi hoặc cây ngô ủ chua có thể làm tăng khối lượng của bò cao hơn ít nhất 11,5% và giảm ít nhất 5,17% tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính từ lên men dạ cỏ. Sử dụng các khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh có thể cũng được xem là giải pháp làm tăng năng suất chăn nuôi và giảm tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính từ quá trình lên men dạ cỏ. Sử dụng cám gạo, bột ngô hoặc cả 3 loại cám gạo, bột ngô và bột sắn trong hỗn hợp TMR làm tăng trọng cao hơn ít nhất 13,9% và giảm được tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 3,61% so với chỉ sử dụng bột sắn.

lntrang
Theo TC Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Kỳ 1 – Tháng 4/2015
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->