Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (30/05/2015) ]
|
Ảnh hưởng của liều lượng phân N-P-K-Mg đến năng suất và phẩm chất trái mít ba láng hạt lép (Artocarpus heterophyllusLAM.) tại Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ
|
|
Giống mít Ba Láng hạt lép có thịt ráo, giòn, hạt lép và điểm đặc biệt là cả thịt múi và xơ đều có thể ăn được, tỉ lệ ăn được đạt trên 60%. Tuy nhiên, giống mít này có nhược điểm là múi mít có màu vàng nhạt, độ ngọt không cao và có dạng trái hơi méo, sần sùi, không đẹp mắt.
|
Ảnh minh họa
Nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định liều lượng phân N-P-K-Mg thích hợp để cải thiện năng suất và chất lượng mít Ba Láng hạt lép góp phần xây dựng quy trình canh tác cho loại mít quý và hiếm này.
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với năm nghiệm thức (NT) (bón 1, 2, 3 và 4 kg/cây/năm phân N-P2O5-K2O-MgO với tỉ lệ 4-2-4-1 và đối chứng không bón phân), năm lần lặp lại mỗi lần lặp lại là một cây. Phân được chia thành bốn lần bón: Sau khi thu hoạch, trước khi ra hoa, 30 ngày sau khi đậu trái, 60 ngày sau khi đậu trái.
Kết quả cho thấy, bón phân N-P-K-Mg theo tỉ lệ 4-2-4-1 với liều lượng khác nhau có ảnh hưởng đến thời gian ra hoa, số hoa cái/cây, năng suất và các thành phần năng suất của trái mít Ba Láng hạt lép, số hạt chắc và phẩm chất múi mít. Bón với liều lượng 3 kg/cây/năm đạt năng suất cao, phẩm chất múi và xơ mít tốt, độ Brix cao, tổng acid và hàm lượng nước thấp, số lượng và tỉ lệ hạt chắc/trái thấp. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT (số 36 - 2015) |