Ảnh minh họa
Nuôi cá tra sinh ra chất thải khá lớn, hàng ngày lượng nước thay trung bình khoảng 30% tổng lượng nước ao. Lượng nước thải này có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Ngoài nước thải, trong mỗi vụ nuôi lượng bùn tích tụ ở đáy ao cũng khá lớn và nó có thể được sên vét trong lúc nuôi cá hay cuối vụ. Nước thải và bùn đáy ao hầu như không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường. Đây là một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay.
Để có cơ sở cho quản lý và xử lý bùn từ việc sên ao, công tác đầu tiên là phải biết được nồng độ chất ô nhiễm chứa đựng trong bùn đáy và khối lượng hay thể tích bùn sinh ra trên một đơn vị diện tích trong suốt thời gian nuôi. Do đó, đề tài nghiên cứu “Xác định số lượng, chất lượng bùn đáy ao nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và sử dụng trong canh tác rau” được các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Đồng Tháp và Trường ĐH Cần Thơ thực hiện.
Thí nghiệm được thực hiện trên 4 ao nuôi thâm canh cá tra tại huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, mỗi ao đặt 5 điểm khảo sát để đo sự tích tụ của bùn theo thời gian nuôi (đo 1 lần/tháng). Độdày lớp bùn trong đáy ao sau 2 tháng nuôi khoảng 7 cm và những tháng tiếp theo bùn đáy tích tụ tăng bình quân khoảng 10 cm/tháng. Với phương pháp bơm bằng cách dùng máy lặn, thể tích bùn bơm lên sau 3 tháng nuôi ước đoán khoảng 1.624 m3/ha và những tháng tiếp theo tốc độ tăng thể tích bùn là 1.000 m3/ha/tháng. Ẩm độ bùn đáy ao trung bình là 58,56 ± 0,46%; chất hữu cơ trung bình khoảng 3,95 ± 0,12%C. Bùn đáy ao để khô ởnhiệt độ phòng có hàm lượng chất hữu cơ, đạm tổng và lân tổng lần lượt là 3,88 ± 0,2% C, 0,33 ± 0,02% N và 0,79 ± 0,04% P2O5 và các chỉ tiêu này giảm nhiều khi bơm lên liếp lần lượt là 2,58 ± 0,16%C, 0,23 ± 0,02%N và 0,41 ± 0,04%P2O5. Bùn đáy ao sửdụng trồng rau muống cho năng suất đợt I và II lần lượt là 15,32 ± 0,33 tấn/ha và 22,72 ± 1,78 tấn/ha, cao hơn hẳn so với trồng trên đất ở địa phương có và không có bón phân NKP. |