Phát minh mới
[ Đăng ngày (06/03/2015) ]
|
“Robot gián” hỗ trợ hoạt động cứu hộ
|
|
Từ một loài côn trùng tưởng chừng như vô ích, thậm chí có thể mang mầm bệnh cho con người, một nhóm kỹ sư thuộc Đại học Texas A & M (Mỹ) đã biến các con gián trong phòng thí nghiệm thành “robot sống” có khả năng thu thập thông tin, hỗ trợ công tác cứu hộ ở những khu vực nguy hiểm.
|
Một “robot gián” trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Texas A&M University
Theo báo cáo công bố trên tạp chí Interface của Hiệp hội Hoàng gia Anh, trưởng nhóm nghiên cứu Hong Liang cho biết đã cấy điện cực kích thích hệ thống dây thần kinh trong râu của các con gián và gắn một túi nhỏ trên lưng chúng. Được biết mỗi túi có trọng lượng dưới 3g, bao gồm một cục pin lithium cung cấp năng lượng cho thiết bị cùng con chip máy tính có thể truyền tín hiệu đến cặp dây nối với hệ thần kinh kiểm soát chân của loài côn trùng này.
Và chỉ bằng cách ấn nút, nhóm kỹ sư có thể kiểm soát và điều khiển các con gián đến bất cứ nơi nào, kể cả những nơi mà con người không thể đến được.
Theo Tiến sĩ Liang, loài côn trùng này còn có thể mang theo đồ vật nặng gấp 5 lần trọng lượng; do đó các kỹ sư có thể trang bị máy quay video nhỏ, micro và cảm biến trong trường hợp cứu hộ thiên tai hay thảm họa như sập hầm mỏ, nổ nhà máy điện hạt nhân bởi đây là một trong vài loài có thể sống sót được khi tiếp xúc với lượng bức xạ hạt nhân nguy hiểm. Hiện tại, Tiến sĩ Liang và các đồng sự đang phát triển hệ thống kiểm soát phiên bản không xâm lấn, trong đó sử dụng thiết bị rung đặt gần râu để điều khiển các con gián di chuyển. Không giống như các điện cực, thiết bị rung sẽ không cần đến biện pháp phẫu thuật và giảm tổn hại đến loài côn trùng này. |
Đường Thất
Theo Báo điện tử Cần Thơ (ntbtra) |