Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (24/02/2015) ]
|
Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thời vụ gieo cấy đến khả năng sản xuất hạt giống lúa lai F1 tổ hợp TH7-2 trong vụ mùa tại Thanh Hóa
|
|
Để chủ động sản xuất giống tại chỗ, các nhà chọn giống Việt Nam đã nghiên cứu, chọn tạo nhiều tổ hợp lai mới, trong đó có các tổ hợp lai hai dòng: Việt lai 20, TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH7-2, HYT8…Các tổ hợp này có năng suất chất lượng khá, thời gian sinh trưởng ngắn nên diện tích ngày càng được mở rộng.
|
Ảnh minh họa
Đối với lúa lai, chất lượng hạt lai F1 đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa. Ở Thanh Hóa, một trong các giống lai hai dòng có khả năng thâm canh cao được sản xuất chấp nhận là TH7-2, sử dụng tính bất dục đực mẫn cảm với nhiệt độ.
Vì vậy, Nguyễn Bá Thông thuộc trường Đại học Hồng Đức đã tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định thời vụ thích hợp cho việc sản xuất hạt lai F1 tổ hợp TH7-2 trong điều kiện vụ mùa tại Thanh Hóa.
Thí nghiệm gieo dòng lúa mẹ (T7S) và dòng bố (R2) ở 5 thời vụ, mỗi thời vụ cách nhau 7 ngày, bắt đầu gieo mạ dòng mẹ thời vụ 1 từ 03/6. Thí nghiệm bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), nhắc lại 3 lần, diện tích ô 22m2 (theo băng dòng lúa bố mẹ: 2,75m x 8,0m). Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thời vụ tốt nhất trong sản xuất hạt lai F1 tổ hợp TH7-2 tại vùng đồng bằng Thanh Hóa là gieo mạ dòng mẹ từ 10/6 (thời vụ 2) và 17/6 (thời vụ 3), ở 2 thời vụ này dòng lúa me T7S bước vào thời kỳ mẫn cảm nhiệt độ từ 15/8 đến 28/8 là khoảng thời gian có nhiệt độ trung bình ngày càng cao >26oC nên hạt phấn bất dục hoàn toàn (điểm 1); thời kỳ trỗ từ 4/9 đến 16/9, trời ít mưa, các dòng lúa bố mẹ nở hoa, tung phấn thuận lợi nên tỷ lệ giao phấn cao và tỷ lệ giao phấn cao và tỷ lệ hạt mẩy cao. Năng suất hạt lai F1, đạt trung bình 2 vụ là 31,26 tạ/ha (thời vụ 2) và 26,37 tạ/ha (thời vụ 3). |
ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 24, 2014) |