Ảnh minh họa
Năm 2012, ba mẫu bọ phấn trắng hại lúa thu thập được từ 3 tỉnh Long An, An Giang và Cần Thơ đã gởi đi định danh tại Philippin và được xác định tên khoa học là Aleurocybotus indicus David and Subramaniam, tên cũ là Vasdavidius indicus (David and Subramaniam) thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera) và bọ rầy phấn trắng (Aleyrodidae).
Thí nghiệm đã được các nhà khoa học thuộc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long tiến hành trong phòng thí nghiệm và nhà lưới của bộ môn từ tháng 4/2013 đến tháng 8/2014. Hai thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với bốn mức nhiệt độ: 20oC (RH = 42,7 ± 1), 25oC (RH = 53,7 ± 0,9), 30oC (RH = 78,1 ± 2,2), 35oC (RH = 55,8 ± 0,9) và 8 loại thức ăn (gồm các giống lúa OM 4218, OM 6162, OM 4900, Jasmine 85, IR 50404, Nếp IR 4625, cỏ lục lông và cỏ chân gà). Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ hoàn thành phát triển của bọ phấn trắng tính từ trứng đến trưởng thành đạt cao nhất là 71% khi nuôi ở nhiệt độ 30oC (RH = 78,1 ± 2,2), kế đến là 52,9% khi nuôi ở nhiệt độ 35oC (RH = 55,8 ± 0,9). Khi được nuôi ở hai mức nhiệt độ 20oC (RH = 42,7 ± 1) và 25oC (RH = 53,7 ± 0,9) thì tỷ lệ hoàn thành phát triển của bọ phấn trắng giảm xuống rất thấp (tương ứng 30,7 và 33,9%). Khả năng sinh trưởng và phát triển của bọ phấn trắng trên bốn giống lúa OM 4900, Jasmine 85, OM 6162 và IR 4625. Khả năng sinh sản của bọ phấn trắng được nuôi trên cỏ lục lông Chloris barbata Sw. thấp hơn so với khả năng sinh sản của chúng trên các giống lúa và nếp đã thí nghiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn thành phát triển tính từ trứng đến thành trùng của bọ phấn trắng khi được nuôi trên cỏ lục lông cũng tương đối cao (đạt 52,8%) và cao hơn có ý nghĩa thống kê so với tỷ lệ này trên giống Nếp IR 4625. Cỏ chân gà Dactyloctenium aegymtium (L) Willd không phải là thức ăn thích hợp của bọ phấn trắng. |