Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (31/12/2014) ]
|
Ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật canh tác đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
|
|
Giống chuối tiêu hồng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng tốt trong cả mùa lạnh và mùa nóng, thích hợp trồng ở nhiều vùng khác nhau, nhất là trên các giải đất phù sa dọc các con sông lớn.
|
Ảnh minh họa
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Sở Khoa học & Công nghệ Yên Bái đã tiến hành nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhằm nâng cao năng suất chuối.
Các biện pháp kỹ thuật bao gồm bón phân, giữ ẩm và khoảng cách mật độ trồng có mối quan hệ tương quan với sinh trưởng phát triển, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất chuối tiêu hồng được áp dụng để nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Kết quả thí nghiệm cho thấy: Tổ hợp phân bón thích hợp nhất cho giống chuối tiêu hồng trồng bằng cây nuôi cấy mô tế bào thực vật là 240 N + 60 P2O5 + 480 K2O g/cây; mật độ trồng 2.500 cây/ha (2,0x2,0 m) và giữ ẩm bằng hạt gel (chất gen). Ở tổ hợp phân bón này năng suất đạt 51,7 tấn/ha và hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng là 51,330 triệu đồng/ha. Phương thức sử dụng hạt giữ ẩm gel, năng suất chuối đạt 49,4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng không áp dụng các phương thức giữ ẩm là 24,721 triệu đồng/ha. Mật độ trồng chuối tiêu hồng bằng cây nuôi cấy mô 2.500 cây/ha (2,0x2,0 m) cho năng suất cao nhất (43,7 tấn/ha); lợi nhuận thu được là 143,250 triệu đồng/ha. |
ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 20, 2014) |