Vũ trụ [ Đăng ngày (25/12/2014) ]
Rosatom góp sức nghiên cứu sao chổi
Các nguồn phóng xạ sử dụng đồng vị Curium - 244, được thiết kế bởi Viện Nghiên cứu Lò Phản ứng Nguyên tử (NIIAR), trực thuộc Tập đoàn Rosatom, đã giúp cho tàu nghiên cứu Philae nghiên cứu đất trên bề mặt sao chổi Churyumov-Gerasimenko.

Việc chuẩn bị cho sứ mệnh của tàu vũ trụ Rosetta bắt đầu từ năm 1993. Vào thời điểm đó NIIAR được trao một hợp đồng sản xuất máy đo quang phổ tia X và tia alpha APXS. “Curium - 244 là một nguyên tố phóng xạ. Nó phát ra tia alpha bắn phá bề mặt của vật chất. Từ đó tạo ra bức xạ thứ cấp, được máy dò quang phổ ghi lại. Nó cho phép phát hiện ra các chất cấu thành nên đá nhờ đánh giá sự thay đổi trong mức năng lượng thứ cấp,” theo giải thích của ông Mikhail Ryabini, Trưởng Phòng thí nghiệm nghiên cứu hóa phóng xạ thuộc bộ phận các nguồn hóa phóng xạ và các chế phẩm của NIIAR.

Các chuyên gia đã bắt đầu giải mã những thông tin đầu tiên đã được gửi về trái đất. Báo cáo trước đó cho biết máy đo quang phổ alpha - proton không hoạt động. Nguyên nhân có thể là do pin của hệ thống không nhân được đủ năng lượng mặt trời và hệ thống đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho biết một dấu hiệu gần đây đến từ thiết bị cho thấy nó “vẫn sống”. Có thể các chuyên gia của cơ quan đã cho phép Philae “ngủ đông” và pin có thể sạc năng lượng trong tương lại khi sao chổi chuyển sang hướng đối diện với mặt trời.

Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia của viện NIIAR tham gia vào một dự án vũ trụ. “Trở lại những năm 80 chúng tôi bắt đầu làm việc với các đồng sự đến từ Viện hóa học Max Planck về máy đo quang phổ tia X hạt alpha- proton,” Mikhail Ryabinin nói. “Chúng tôi tạo ra các nguồn phóng xạ sử dụng đồng vị curium - 224 cho các máy đo quang phổ. Các nguồn phóng xạ đó được dùng trong các máy quang phổ lắp đặt cho Phobos I và Phobos II. Đáng tiếc là các cuộc thám hiểm này đã thất bại. Thiết bị cho sứ mệnhSao Hỏa của NASA vào năm 1997, 2004 và 2012 cũng được trang bị bằng nguồn phóng xạ của chúng tôi,” Ông nói. Phân tích quang phổ đất được thực hiện bởi một trong các thiết bị thăm dò sao Hỏacho phép giả định với mức độ chắc chắn cao rằng trong quá khứ nước dưới dạng tuyết, băng hoặc sương đã từng tồn tại tại hành tinh này.

Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Tự động hóa Toàn Nga Dukhov (VNIIA) cũng tham gia nghiên cứu hành tinh đỏ. Thiết bị của Nga DAN (dynamic albedo of neutrons - suất phản chiếu nơ trôn linh động) hoạt động trên thiết bị thăm dò tự hành sao hỏa Curiosity. Thiết bị này có máy phát nơ trôn tích hợp được thiết kế bởi các chuyên gia VNIIA. DAN đã chứng minh được tại một số nơi ở sao Hỏa, hàm lượng nước đạt tới 6% giống như tại các sa mạc trên trái đất. Những kết quả này không thể đạt được nếu thực hiện bằng cách khác.

Tàu vũ trụ Rosetta được phóng lên sao chổi Churyumov-Gerasimenko vào ngày 2 tháng 3 năm 2004.Chương trình bay rất phức tạp: thậm chí một sự chệch hướng nhỏ trong 4 lần bay quanh sao Hỏa và Trái Đất cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả. Tuy nhiên, tất cả đã kết thúc tốt đẹp: vào ngày 12/12/2014 robot nghiên cứu Philae được đưa tới bởi tàu Rosetta đã tiếp cận sao chổi và bắt đầu tiến hành chương trình nghiên cứu. Nó sẽ xác định các thông số hạt nhân của sao chổi, nghiên cứu thành phần hóa học và những thay đổi trong hoạt động của sao chổi theo thời gian. Đây là một sự kiện đáng chú ý bởi lần đầu tiên có một thiết bị đã hạ cánh thành công lên một ngôi sao chổi.

Tuần trước, các chuyên gia NASA đã công bố hình ảnh 3D về sao chổi Churyumov-Gerasimenko. Bức ảnh này được tạo ra bằng cách kết hợp các hình ảnh được chụp bởi robot thám hiểu Philae. Thêm vào đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng công bố một số dữ liệu thu được từ thiết bị MUPUS – thiết bị để đo các đặc tính nhiệt độ và độ dày của bề mặt sao chổi. Máy dò nhiệt độ của nó đã hoạt động trong suốt quá trình tiếp cận và sau khi Philae phục hồi. Tại địa điểm thiết bị thăm dò hạ cánh nhiệt độ là -153 độ C. “Điều này xảy ra có thể là do sự thoát nhiệt ra xung quanh hoặc do thiết bị thám hiểm đã đáp xuống vùng bụi lạnh,” theo ông Jörg Knollenberg, nhà khoa học nghiên cứu thiết bị cho MUPUS tại Viện Nghiên cứu Hành tinh (DLR), CHLB Đức.

 * NIIAR được thành lập vào năm 1956 để tổ chức nghiên cứu và thử nghiệm lò phản ứng. NIIAR được nhận định là trung tâm nghiên cứu hạt nhân lớn nhất nước Nga. Trung tâm này nghiên cứu chu trình nhiên liệu, hoá phóng xạ, và quản lý chất thải phóng xạ, cũng như sản xuất hạt nhân phóng xạ cho y học và công nghiệp. Đây là nơi thực hiện việc nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là đối với các lò phản ứng nhanh và công nghệ nhiên liệu liên quan.

Tuấn Anh
Theo Vietnamnet.vn (tdkhiem)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->