Ảnh minh họa
Khi sử dụng rong bún E. intestinalis và E. clatherata làm thức ăn trực tiếp cho cá Etroplus suratensis, cá có tốc độ tăng tưởng cao hơn có ý nghĩa so với nhóm cá được cho ăn thức ăn viên công nghiệp.
Cá rô phi (Oreochromis niloticus) là một trong những loài cá được nuôi phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Chúng là loài cá rộng muối có khả năng sống được trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn có độ muối 0 - 40 ‰ và là loài ăn tạp thiên về thực vật, có phổ thức ăn rộng. Trong điều kiện tự nhiên cá rô phi ăn mùn bã hữu cơ, rong, tảo, thực vật thủy sinh và một số động vật đáy. Với đặc tính ưu việt của cá rô phi, Nguyễn Thị Ngọc Anh thuộc Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu này nhằm xác định khả năng sử dụng rong bún làm thức ăn thay thế một phần thức ăn viên trong nuôi cá rô phi (O. niloticus). Kết quả thành công có thể khuyến khích các nông hộ sử dụng nguồn rong bún sẵn có tại địa phương làm thức ăn cho cá, góp phần giảm chi phí thức ăn và nâng cao thu nhập.
Nghiên cứu khả năng sử dụng rong bún (Enteromorpha spp.) làm thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus) được thực hiện gồm 7 nghiệm thức với ba lần lặp lại. Rong bún tươi và khô được sử dụng làm nguồn thức ăn thay thế thức ăn viên với phương thức cho ăn luân phiên. Mỗi ngày cá được cho ăn hoặc là thức ăn viên hoặc là rong bún: (1) thức ăn viên mỗi ngày là nghiệm thức đối chứng; (2) và (3) rong bún tươi hoặc rong bún khô mỗi ngày; và 2 chế độ cho ăn luân phiên gồm (4) và (5) 1 ngày thức ăn viên và 1 ngày rong bún tươi hoặc khô; (6) và (7) 1 ngày thức ăn thức ăn viên và 2 ngày rong bún tươi hoặc khô. Cá có khối lượng trung bình là 3,04 g đuợc nuôi trong bể compozit 120 L, ở độ mặn 5‰ với mật độ 30 con/bể. Sau 6 tuần nuôi, tỷ lệ sống của cá thí nghiệm không bị ảnh hưởng bởi nghiệm thức thức thức ăn, dao động từ 81,0 đến 85,7%. Tốc độ tăng trưởng của cá ở nghiệm thức cho ăn xen kẽ 1 ngày thức ăn và 1 ngày rong bún tươi hoặc khô khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với nghiệm thức đối chứng. Áp dụng cho ăn kết hợp thức ăn viên và rong bún, hệ số tiêu tốn thức ăn của thức ăn viên có thể giảm từ 52,6 đến 61,5%. Thành phần sinh hóa của thịt cá sau khi thí nghiệm gồm hàm lượng protein và phốt pho không khác nhau giữa các nghiệm thức. Ở nghiệm thức đối chứng, hàm lượng lipit, tro và canxi thấp hơn có ý nghĩa so vói các nghiệm thức khác (P<0,05). Kết quả cho thấy rong bún tươi và khô có thể sử dụng làm thức ăn thay thế một phần thức ăn thương mại trong nuôi cá rô phi. Ngoài ra, sử dụng rong bún làm nguồn thức ăn có thể cải thiện chất lượng nước trong bể nuôi.
|