Ảnh minh họa.
Đặc điểm của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất đòi hỏi nguồn lực đầu vào (chi phí, lao động...) ban đầu là tương đối lớn và không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện để đầu tư. Do đó, trong điều kiện nguồn lực đầu vào của nông hộ khan hiếm thì cách tiếp cận định hướng đầu vào theo biên cố định do quy mô (CRS Input - Orientated DEA model) được lựa chọn để đánh giá hiệu quả trong sản xuất của nông hộ. Mục tiêu hướng tới của nghiên cứu là đánh giá được năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình thông qua đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí của các hộ nuôi nhằm điều tiết hợp lý các yếu tố đầu vào sao cho giảm được chi phí sản xuất đến mức tối thiểu có thể mà vẫn đảm bảo năng suất đầu ra của mô hình không giảm so với năng suất đang đạt được ở hiện tại.
La Văn Hùng Minh và Ngô Thạch Thảo Ly thuộc Khoa Tài nguyên và Môi trường, Đại học Đồng Tháp đã tiến hành thu thập số liệu tại các hộ chuyên nuôi tôm càng xanh ở các xã Nhị Mỹ, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, Ba Sao, An Bình và Gáo Giồng thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp để thực hiện nghiên cứu này.
Nghiên cứu trên đã xác định được:
Hiệu quả sử dụng chi phí trung bình của nông hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Cao Lãnh đạt 0,546 trong đó hộ đạt hiệu quả sử dụng chi phí cao nhất mức 1,000 và thấp nhất ở mức 0,266.
Có 38,3% số hộ đạt hiệu quả sử dụng chi phi mức độ dưới 0,500 và sẽ tiết kiệm được một lượng chi phí khoảng 0,503 - 0,734 đơn vị nếu phấn đấu để được mức hiệu quả cao nhất.
57,4% số hộ đạt hiệu quả sử dụng chi phí ở mức độ từ 0,500 đến 0,800. Các hộ này cũng sẽ tiết kiệm được một lượng chi phí tương ứng khoảng 0,245-0,500 đơn vị nếu phấn đấu để đạt được mức hiệu quả cao nhất.
Số hộ đạt hiệu quả sử dụng chi phí ở mức trên 0,800 chỉ có 4,3% số hộ, trong đó những hộ chỉ đạt đến mức hiệu quả cao nhất cũng có thể tiết kiệt được một lượng chi phí khoảng 0,114 - 0,191 đơn vị nếu đạt được mức độ hiệu quả như hộ có mức hiệu quả cao nhất. |