Ảnh minh họa.
Gần đây, Viện Môi trường Nông nghiệp đã tiến hành một số đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất than sinh học từ các nguồn phế, phụ phẩm khác nhau. Kết quả cho thấy, trữ lượng cacbon chứa trong than sinh học sản xuất từ gỗ, tre nứa, rơm rạ tuy khác nhau song đều đạt rất cao. Mặc dù vậy việc nghiên cứu ứng dụng các loại than này để tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng và cải thiện chất lượng đất, đặc biệt là các vùng đất bạc màu do canh tác lâu năm vẫn còn hạn chế.
Để có cơ sở khoa học định hướng cho việc ứng dụng các loại than sinh học trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất lúa trên các nền đất xám bạc màu, các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường Nông nghiệp và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiệu lực một số loại than sinh học (biocoal) cho lúa trên đất xám bạc màu”.
Nghiên cứu đã cho ra kết quả:
- Khi sử dụng trên nền đất bạc màu với nền phân bón 120 N + 90 P2O5 + 90 K2O (kg/ha), TSH có thể giúp cây lúa tăng khả năng tích lũy C từ 6,71 đến 36,31% sau 1 vụ sử dụng và 23,21 - 46,90% sau 2 vụ sử dụng so với đối chứng không bón than. Tương tự, khả năng hấp thụ N cũng tăng 25,62 - 109,01% sau 1 vụ và 45,98 - 116,07% sau 2 vụ; hấp thụ P tăng tương ứng là 39,08-115,08% và 31,58-144,44%; hấp thụ K tăng 39,75 - 160,25% và 44,81 - 116,98%; hấp thụ Ca tăng 51,72 - 122,22% và 86,96 - 195,65%; hấp thụ Mg tăng 30,23 - 104,65% và 48,75 - 117,5%. Khi lượng bón các loại than tăng lên, mức độ hấp thụ cũng gia tăng tương ứng. Khi sử dụng than sản xuất từ xơ dừa, mức độ hấp thụ đạt cao nhất, sau đó đến than luồng với các chỉ tiêu C và K hay than trấu vói các chỉ tiêu N, P, Ca và Mg.
- Chất lượng đất được cải thiện rõ rệt khi đất được bón than sinh học. Điển hình là dung trọng, tỷ trọng đất đều giảm sau 2 vụ trồng liên tiếp. Trong khi đó độ xốp lại tăng lên sau 2 vụ thí nghiệm. Hàm lượng OC, N, P2O5, K2O, NH4+, NO3,… cũng đều tăng so với ĐC1 không bón phân. |