Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (19/08/2014) ]
Khảo sát thành phần dinh dưỡng của rong bún (Enteromorpha intestinalis) ở thủy vực nước lợ tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng
Ở đồng bằng sông Cửu Long, rong bún (Enteromorpha spp.) xuất hiện tự nhiên với sinh lượng cao trong các thủy vực nước lợ (ao quảng canh, kênh, mương...) ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre.

Ảnh minh họa

Rong bún không những có giá trị dinh dưỡng cao được sử dụng làm thức ăn cho các loài thủy sản và con người, mà còn có vai trò lọc sinh học làm giảm sự ô nhiễm môi trường trong thủy vực nuôi thủy sản .

Các nghiên cứu trước đã tìm thấy thành phần dinh dưỡng của rong biển thay đổi theo loài, giai đoạn phát triển, mùa vụ và vùng địa lý và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường sống như độ mặn, nhiệt độ, hàm lượng dinh dưỡng.

Tuy nhiên, ở nước ta các yếu tố ảnh hưởng đến sự biến động về thành phần dinh dưỡng của rong bún chưa được công bố. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của các giai đoạn phát triển và độ mặn khác nhau đến thành phần sinh hóa của rong bún nhằm cung cấp các thông tin hữu ích về việc sử dụng thích hợp loài rong này trong các lĩnh vực khác nhau.

Nguyễn Thị Ngọc Anh thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã xác định mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của các giai đoạn phát triển và độ mặn khác nhau đến thành phần sinh hóa của rong bún nhằm cung cấp thông tin hữu ích về việc sử dụng thích hợp loài rong này trong các lĩnh vực khác nhau.

Nghiên cứu thành phần dinh dưỡng của rong bún (Enteromorpha intestinalis) được thực hiện từ tháng 3/2011 đến tháng 2/2012 ở các ao quảng canh và thủy vực tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Kết quả cho thấy thành phần sinh hóa của rong bún thay đổi theo giai đoạn phát triển, trong đó thành phần dinh dưỡng của rong non và rong trưởng thành tương tự nhau và cả hai có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với rong già. Thêm vào đó, thành phần sinh hóa cơ bản và axit amin của rong bún cũng được xác định ở các khoảng độ mặn khác nhau (thấp nhất, trung bình và cao nhất) cho mỗi thủy vực. Ở Sóc Trăng, mẫu rong bún được thu ở 3 khoảng độ mặn gồm 1-2 ppt, 5-6 ppt và 10-12 ppt; kết quả cho thấy tỉ lệ tươi/khô của rong bún giảm theo sự tăng độ mặn, ngược lại hàm lượng lipit và tro tăng theo độ mặn, các thành phần khác (protein, xơ và hydratcacbon) ít thay đổi. Hàm lượng tổng axit amin của rong thu ở độ mặn 1-2 ppt và 5-6 ppt tương tự nhau và có giá trị cao hơn mẫu rong thu ở độ mặn 10-12 ppt. Đối với mẫu rong bún thu ở Bạc Liêu với bốn khoảng độ mặn: 10-12 ppt, 15-17 ppt, 20-22 ppt và 25-27 ppt, kết quả phân tích biểu thị tỉ lệ tươi/khô, hàm lượng lipit và tro có cùng khuynh hướng với mẫu rong thu ở Sóc Trăng. Tuy nhiên, hàm lượng protein thay đổi khác nhau, giá trị thấp nhất và cao nhất được tìm thấy ở độ mặn 15-17 ppt và 25-27 ppt, nhưng ở khoảng độ mặn 10-12 ppt và 20-22 ppt, rong bún có hàm lượng protein gần như nhau, hàm lượng hydratcacbon giảm theo sự tăng độ mặn. Hàm lượng tổng axit amin biểu thị ảnh hưởng giống như protein. Ngoài ra, hàm lượng protein của rong bún có mối tương quan thuận với hàm lượng dinh dưỡng trong thủy vực.

ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 11, 2014)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->