Ảnh minh họa
Các hình thức nuôi khá đa dạng như thâm canh (TC), bán thâm canh (BTC), quảng canh (QC) và quảng canh cải tiến (QCCT). Riêng mô hình tôm sú - lúa luân canh được đánh giá là mô hình bền vững, thích hợp đối với những vùng bị nhiễm mặn theo mùa (mùa mưa: trồng lúa; mùa khô: nuôi tôm) (Sở NN & PTNT Kiên Giang, 2009). Ưu điểm của mô hình này được đánh giá là ít rủi ro, chi phí đầu tư thấp (sử dụng thức ăn tự nhiên, ít sử dụng hóa chất), ổn định môi trường sinh thái hơn (lúa hấp thu chất thải từ vụ nuôi tôm) so với mô hình BTC và TC. Theo Bộ NN & PTNT (2012) diện tích nuôi tôm sú - lúa luân canh ở canh ở ĐBSCL khoảng 168.000 ha. Mặc dù hình thức canh tác này đang ngày càng phát triển, nhưng chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu quả sản xuất và sự tác động các thể chế, chính sách sau hơn 10 năm chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình canh tác này ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu quá trình phát triển cùa mô hình tôm sú - lúa; đánh giá thực trạng về kỹ thuật và hiệu quả tài chính; nhận thức của người dân về các chính sách có liên quan.
Nghiên cứu này đã được Trương Hoàng Minh, Nguyễn Thái Bình và Trần Trọng Tân thuộc Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ thực hiện thông qua việc phỏng vấn ngẫu nhiên 79 hộ nuôi tôm sú-lúa luân canh truyền thống (MHTT) và 71 hộ nuôi tôm sú-lúa luân canh cải tiến (MHCT) tại 3 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau từ tháng 11/2010 đến tháng 9/2011. Kết quả cho thấy mô hình này đã tăng cả về diện tích lẫn năng suất (sau 10 năm), về kỹ thuật của MHCT, độ sâu mực nước mương bao (1,4 m), trên mặt trảng ruộng (0,6 m), mật độ tôm nuôi (9,76 con/m2), tỷ lệ sống (48,4%), cỡ tôm thu hoạch (29,5 g/con) và năng suất (1.367 kg/ha/vụ) cao hơn so với MHTT tương ứng là: 1,22 m, 0,35 m, 3,33 con/m2, 32,6%, 25,96 g/con và 322 kg/ha/vụ. Ở MHCT, thức ăn viên được sử dụng với FCR là 1,79. Trong khi MHTT sử dụng thức ăn tự nhiên, chỉ có 26,7% số hộ bổ sung thức ăn tự nhiên (nghêu, hến) ở giai đoạn cuối vụ nuôi. Tổng chi phí, giá thành sản xuất, thu nhập và lợi nhuận ở MHCT cao hơn so với MHTT, nhưng tỷ suất lợi nhuận của MHTT cao hơn so với MHCT. Số hộ thua lỗ ở MHTT (6%) thấp hơn so với MHCT (20%). Các chính sách (đất đai, miễn giảm thuế, tín dụng, khuyến nông - khuyến ngư và thủy lợi) có tác động tích cực đến mô hình canh tác này. Nhìn chung, hiệu quả tài chính của MHCT cao hơn so với MKTT. |