Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (07/08/2014) ]
|
Nghiên cứu sự phát triển phôi và ảnh hưởng của các loại giá thể đến quá trình nở trứng ốc bươu đồng (Pila polita)
|
|
Ốc bươu đồng Pila polita (Deshayes, 1830) là loài ốc nước ngọt phổ biến phân bố ở Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Chúng sống trong ao ruộng vùng đồng bằng và trung du (Dillon, 2000).
|
Ảnh minh họa
Việc nghiên cứu sự phát triển phôi, sử dụng các loại giá thể hoặc tạo điều kiện gần giống với môi trường tự nhiên trong quá trình ấp trứng ốc bươu đồng là cần thiết nhằm đảm bảo tỷ lệ nở cao và thời gian nở diễn ra sớm nhất. Những kết quả thu được có thể ứng dụng trong thực tế nhằm cung cấp con giống có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của việc bảo vệ nguồn lợi hoặc đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản. Ngô Thị Thu Thảo, Lê Văn Bình và Đặng Ánh Thi thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã tiến hành nghiên cứu này nhằm tìm ra thời gian phát triển phôi và loại giá thể thích hợp cho quá trình ấp trứng ốc bươu đồng trong điều kiện trại giống.
Để nghiên cứu các chỉ tiêu sinh trắc học của trứng ốc bươu đồng, tổng cộng 40 bọc trứng đã được thu từ thủy vực tự nhiên, bảo quản nguyên vẹn và mang về trại thực nghiệm để phân tích.
Khi được ấp trên xơ dừa, quá trình phát triển phôi và trứng ốc bươu đồng nở thành con diễn ra trong 13 ngày. Khối lượng trung bình của ốc mới nở là 0,03 g/con và chiều cao 3,55 mm/con. Tỷ lệ nở của trứng ốc khi ấp trên giá thể xơ dừa (82,1%) cao hơn và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05) so với các giá thể khác là rễ lục bình, chùm nylon và thân cây chuối.
Thời gian nở của ốc khi ấp trên giá thể xơ dừa (12,9 ngày) sớm hơn so với rễ lục bình; chùm nylon và khác biệt có ý nghĩa (p<0,05 ) so với ấp trên thân cây chuối.
Giá thể xơ dừa dùng để ấp trứng ốc bươu đồng sẽ thu được tỷ lệ nở cao hơn và thời gian nở sớm hơn so với các loại giá thể khác do đó có thể ứng dụng loại giá thể này trong thực tế sản xuất giống ốc bươu đồng. |
ntbtra
Theo Tạp chí Khoa học TrườngĐHCT, số 30c (2014) |