Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (26/07/2014) ]
Nghiên cứu đa dạng di truyền các quần đàn tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) bằng chỉ thị phân tử microsatellite
Các chỉ thị phân tử, đặc biệt là chỉ thị microsatellite (vi vệ tinh), được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong nghiên cứu di truyền động, thực vật. Chỉ thị microsatellite đã góp phần làm sáng tỏ quá trình tiến hóa và mức độ thuần chủng của vật liệu sử dụng trong lai tạo giống…

Ảnh minh họa

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã sử dụng chỉ thị phân tử microsatellite để đánh giá đa dạng di truyền phục vụ các chương trình chọn giống trên tôm thẻ chân trắng (Wolfus và ctv., 1997; Cruz và ctv., 2004; Valles- Jiménez và ctv., 2005; Luvesuto và ctv., 2007; Perez-Enriquez và ctv., 2009; Artiles và ctv., 2011). Ở Việt Nam, nghiên cứu trên tôm thẻ chân trắng mới chỉ dừng lại ở sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm, chưa có một công trình nghiên cứu nào về chọn giống trên đối tượng thủy sản này. Gần đây, Trần Thị Thúy Hà và ctv. (2013) nghiên cứu đa dạng di truyền của một số quần đàn tôm thẻ chân trắng nuôi trong nước. Việc đánh giá vật liệu di truyền trên các quần đàn tôm thẻ chân trắng nhập ngoại phục vụ chọn giống có ý nghĩa quan trọng và cần được làm sáng tỏ.

Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã tiến hành nghiên cứu đa dạng di truyền trên 5 quần đàn tôm thẻ chân trắng (Mexico 1, Mexico 2, Ecuador, Colombia và quần đàn tôm được gia hóa sạch bệnh lưu giữ tại Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Bắc, Cát Bà, Hải Phòng có nguồn gốc từ Hawaii) với 15 chỉ thị microsatellite. Kết quả phân tích di truyền cho thấy mức độ đa hình tương đối cao với tổng số 88 alen và số alen của mỗi locus dao động từ 5 đến 8 alen. Các quần đàn nghiên cứu đều tuân theo định luật Hardy-Weinberg trong mức cho phép, trong đó quần đàn Hawaii có độ lệch so với định luật Hardy-Weinberg là cao nhất. Giá trị cận huyết nằm trong khoảng 0,1-0,41; cao nhất ở quần đàn Hawaii và thấp nhất thuộc về quần đàn Mexico 1. Tần số dị hợp tử cao nhất là ở quần đàn Mexico 1 và thấp nhất là quần đàn Hawaii. Hệ số sai khác di truyền thể hiện mối quan hệ di truyền giữa các quần thể nghiên cứu ở mức trung bình. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho việc thực hiện các chương trình chọn giống nhằm nâng cao chất lượng tôm thẻ chân trắng góp phần phát triển bền vững cho ngành thủy sản.

ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 5, 2014)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->