1. Đậu nành gây ung thư vú
Sự thật: Không một bằng chứng nào cho thấy đậu nành có thể gây ung thư. Trong một số nghiên cứu trên động vật, isoflavone nguyên chất – hợp chất trong đậu nành có đặc tính tương tự hoóc-môn sinh dục nữ estrogen – được chứng minh có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của khối u. Tuy nhiên, con người xử lý isoflavone hoàn toàn khác so với động vật. Trong các nghiên cứu nhắm tới những người tiêu thụ một lượng lớn đậu nành, các nhà khoa học phát hiện đậu nành không có bất kỳ mối liên hệ nào với ung thư vú hoặc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
2. Nam giới không nên ăn đậu nành
Sự thật: Nhiều người lo ngại đặc tính giống estrogen có trong các sản phẩm từ đậu nành có thể làm giảm hoóc-môn sinh dục nam testosterone. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng không ủng hộ quan niệm này. Theo các chuyên gia, khoa học không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào để đưa ra cảnh báo nam giới không nên tiêu thụ đậu nành, ngay cả trong các trường hợp tiêu thụ đậu nành trên mức trung bình (thường thấy ở đàn ông châu Á). Thực tế là nam giới thậm chí có thể hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiêu thụ sản phẩm từ đậu nành, vì loại thực phẩm này có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
3. Các sản phẩm đậu nành giả thịt động vật cũng bổ dưỡng vì chúng là món chay
Sự thật: Việc tạo ra các sản phẩm giả thịt từ đậu nành như thịt gà, xúc xích hoặc ức gà đòi hỏi phải trải qua khá nhiều khâu chế biến, nên có thể làm mất đi giá trị dinh dưỡng của đậu nành. Nhiều sản phẩm giả thịt còn chứa nhiều muối và chất béo, được thêm vào để tạo ra hương vị thịt. Do đó, để tận dụng tối đa dinh dưỡng từ đậu nành, hãy tiêu thụ những món ăn gần với trạng thái tự nhiên của nó nhất.
4. Nếu bạn không thích đậu hũ, thuốc bổ chứa đạm đậu nành là một lựa chọn thông minh
Sự thật: Do việc bổ sung đạm đậu nành có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trong một số nghiên cứu trên động vật, nên các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên dùng thuốc bổ chứa đạm đậu nành lúc này. Theo Trung tâm Quốc gia về Dược phẩm Bổ sung và Thay thế (Mỹ), việc dùng thuốc bổ chứa đạm đậu nành trong thời gian ngắn được xem là an toàn nhưng tác động lâu dài của chất isoflavone thì vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. |