Ảnh minh họa
Việc định lượng khả năng hấp thụ C02 của rừng tự nhiên nhiệt đới với sự phong phú về loài, dạng sống... là vấn đề khá phức tạp nhưng có thể thực hiện được trên cơ sở khoa học với độ chính xác cho phép.
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu với nguồn dữ liệu khá phong phú, các hàm tương quan đã được thiết lập và đưọc khuyến cáo có thể áp dụng cho các kiểu rừng trên thế giới, song dữ liệu được lấy từ Việt Nam rất hạn chế và các hàm tương quan này chưa được kiểm chứng, đánh giá sai số và độ tin cậy ở Việt Nam để có thể áp dụng.
Từ tình hình trên, Chi cục Lâm Nghiệp Quảng Nam đã thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích xây dựng mô hình ước tính sinh khối, các bon tích lũy trong cây rừng để áp dụng trực tiếp cho kiểu rừng tự nhiên lá rộng ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Mục đích nghiên cứu nhằm góp phần ứng dụng và phát triển phương pháp ước lượng và dự báo năng lực hấp thụ các bon của rùng tự nhiên lá rộng thường xanh; kết quả cũng đóng góp về kỹ thuật cho việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và triển khai chương trình REDD. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng các phương trình 1 đến 3 biến, quan hệ giữa sinh khối của cây cá thể với các nhân tố điều tra như DBH, Hvn và WD (khối lượng thể tích gỗ g/cm3) đều cho hệ số R2 điều chỉnh nằm trong giới hạn biểu hiện quan hệ chặt đến rất chặt; trong đó phương trình quan hệ 3 biến là tốt hơn so với 2 và 1 biến; kiểm định giả thuyết thống kê các giá trị Sig.F, Sig.Ta, Sig.Tb, Sig.Tc đều có p < 0,05; các tiêu chí AIC (Akaike’s Information Criteria - Tiêu chuẩn thông tin Akaike), CF (Correction Factor - thừa số hiệu chỉnh), S% (sai số giữa Yi lý thuyết và Yt thực tế (kiểm tra)) cũng được sử dụng để lựa chọn hàm tối ưu. Ứng dụng các phương trình tối ưu này để ước tính sinh khối và các bon của một số trạng thái rừng; nghiên cứu cho thấy, lượng C02 hấp thụ của phần cây gỗ trên mặt đất của rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo lần lượt là 277,59 tấn/ha, 179,58 tấn/ha và 73,69 tấn/ha. Cấu trúc tỷ lệ lượng C02 hấp thụ theo từng bộ phận cây gỗ trên mặt đất sắp xếp từ cao đến thấp là thân, cành, vỏ và lá với các tỷ lệ tương ứng là 79,38%, 13,44%, 7,179% và 0,019%. |