Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (07/06/2014) ]
Nghiên cứu tuyển chọn các chủng vi khuẩn tạo chất kết tụ sinh học phân lập từ bùn đáy ao nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long trên môi trường polysacarit và ứng dụng vào xử lý nước ao nuôi cá tra ở quy mô phòng thí nghiệm
Nuôi cá với quy mô công nghiệp bên cạnh lợi ích kinh tế song cũng đã có tác động rất lớn đến môi trường do thức ăn dư thừa, chất thải trong quá trình trao đổi chất, các hóa chất sử dụng… bị tích góp lại trong nước và nền đáy nhanh chóng chuyển hóa thành amoni, nitrat, phốt phát… dưới tác động của vi sinh vật và các quá trình phân hủy .

Ảnh minh họa

Để xử lý nước, quy trình kết tụ sinh học được đề nghị áp dụng vì kết tụ là công đoạn ban đầu cần thiết, giúp loại bỏ các tạp chất, tạo thuận lợi cho các công đoạn xử lý sau với ưu điểm là đầu tư cơ sở hạ tầng ít, thời gian xử lý ngắn và chất kết tụ sinh học tiết ra từ vi sinh vật dễ phát triển đạt sinh khối cao, ít tốn kém, có thể bị phân hủy bằng con đường sinh học nên không gây hại cho người và sinh vật khác, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả kết tụ phụ thuộc vào đặc tính của từng giống, loài vi sinh vật tạo chất kết tụ cũng như chịu ảnh hưởng của các yếu tố như chất dinh dưỡng, điều kiện nuôi cấy, điều kiện của môi trường…

Vì vậy, cần thiết phải xác định được các điều kiện tốt nhất đối với các dòng vi khuẩn đã tuyển chọn để kết tụ đạt tỷ lệ cao nhất; từ đó chọn được một số dòng vi khuẩn hiệu quả. Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Đại học Cần Thơ bước đầu ứng dụng vào xử lý nước ao nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long ở quy mô phòng thí nghiệm.

Từ các dòng (chủng) vi khuẩn tạo chất kết tụ sinh học trên môi trường polysacarit phân lập từ bùn đáy ao nuôi cá tra ở 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 3 dòng vi khuẩn có tỷ lệ kết tụ cao hơn 70% được chọn để khảo sát những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ kết tụ. Tỷ lệ kết tụ sinh học cao nhất được ghi nhận ở pH tối ưu là 6 với sự hiện diện của NaCl, Sucroza, axit glutamic, CaCl2 được sử dụng như nguồn các bon, ni tơ và khoáng vô cơ tốt nhất với các dòng vi khuẩn này. Ngoài ra liều lượng sử dụng để cho tỷ lệ kết tụ cao  nhất đối với các dòng khảo sát đều thấp, chỉ 0,11% - 0,12%. Sau khi được tối ưu hóa, tỷ lệ kết tụ cao nhất của dòng vi khuẩn được tuyển chọn Agrobacterium tumefaciens STT37PS đạt được trong huyền phù cao lanh là 80,33% - 81,20% và 52,14%-53,26% trong nước ao nuôi cá tra. Khi ứng dụng vào xử lý nước ao nuôi cá tra ở quy mô phòng thí nghiệm, dòng vi khuẩn này đã làm giảm lượng TSS và COD trong nước ao lần lượt là 49,00%-65,29% và 40,91%-67,35% so với đối chứng.           

ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 7, 2014)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->