Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (05/06/2014) ]
Đặc điểm ra hoa và phát triển trái của cây dừa nước (Nypa fruticans Wurmb) tại ba vùng nước mặn, lợ và ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long
Dừa nước (Nypa fruticans)được xem là cây chỉ thị được tìm thấy trong hầu hết các hệ thống rừng ngập mặn nhiệt đới. Cây dừa nước thường phát triển ở vùng bãi bồi, thủy triều chảy chậm và có nhiều phù sa. Lê Thị Thanh Thủy, Trần Văn Hâu - Bộ môn Khoa học cây trồng - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài này làm cơ sở cho việc nghiên cứu các biện pháp để sản xuất nhựa buồng hoa.

Cây dừa nước

Ở Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào về cây dừa nước. Do đó, đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu xác định đặc điểm ra hoa và phát triển trái của cây dừa nước ở ba vùng nước mặn, nước ngọt và nước lợ làm cơ sở cho việc nghiên cứu các biện pháp để sản xuất nhựa buồng hoa.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cây dừa nước ở ba điểm thuộc huyện Trần Đề, Đại Ngãi tỉnh Sóc Trăng và huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh từ 11/2010 đến 2/2012 nhằm xác định đặc điểm ra hoa và phát triển buồng của cây dừa nước ở ba vùng sinh thái nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Mỗi vùng khảo sát 40 buồng hoa, 50 bụi dừa nước và 10 tàu lá mới.  

Sự tăng trưởng của hoa và trái được tính toán theo phương trình tăng trưởng của Robertson. Kết quả cho thấy ở ba vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt cây dừa nước ra hoa tập trung trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tỉ lệ cây dừa nước ra buồng hoa ở vùng nước mặn là cao nhất (72%), thấp nhất là vùng nước ngọt (60%). Thời gian cần thiết để buồng hoa ở cả ba vùng phát triển đạt kích thước tối đa là 6 tháng từ khi hoa nở. Vùng nước mặn có khối lượng buồng hoa, chu vi buồng hoa theo chiều cao, chiều rộng, kích thước trái chắc, chiều dài cuống buồng hoa và chiều cao của lá luôn nhỏ hơn so vùng nước lợ và nước ngọt. Tổng số trái/buồng và tỉ lệ trái chắc khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở ba vùng.

Sự ra hoa và phát triển trái của cây dừa nước khác nhau ở ba vùng nước mặn, lợ và ngọt. Do đó, cần nghiên cứu biện pháp tác động cho buồng hoa tiết nhựa thích hợp ở từng vùng để có thể đạt được năng suất và chất lượng nhựa buồng hoa cao nhất.

ntbtra
Theo Tạp chí NN & PTNT (số 7, 2014)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->