Isaac Newton
Newton sinh ngày 25 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1642) ở Woolsthorpe (Anh). Thuở nhở, Isaac là một cậu bé sức khỏe yếu, hay đánh nhau và học rất kém. Nhưng đến khi học trung học, dưới sự hướng dẫn của giáo sư toán học Barrow, Isaac đã trở thành một học trò xuất sắc, luôn có những ý tưởng mới lạ.
 |
Isaac Newton
|
Newton là tác giả của định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng, người đặt nền móng cho vật lý cổ điển. Ông đã trình bày nhiều kiến giải thiên tài trong tác phẩm Những nguyên lý toán học của khoa học tự nhiên (1687). Trong cuốn sách này, ngay ở lời nói đầu, Newton nhấn mạnh rằng, những điều được viết ra không phải cho đại chúng, mà chỉ dành cho người uyên bác, có trình độ rất cao về toán học và triết học. Bằng giọng văn lạnh lùng, Newton đã trình bày các phát kiến bước ngoặt một cách cô đặc và mạch lạc. Phải mấy chục năm sau, người ta mới hiểu hết những điều ông viết. Năm 1703, Newton được bầu làm Chủ tịch Hội Hoàng gia Anh, mà thực chất là Viện Hàn lâm Khoa học Anh.
Dmitri Ivanovich Mendeleev
Mendeleev sinh ngày 27 tháng 1 năm Giáp Ngọ (1834) tại Tobolsk, Siberia, trong một gia đình có 17 người con. Khi 30 tuổi, Mendeleev mới bắt tay vào nghiên cứu phân loại các nguyên tố hóa học, nhưng chỉ 5 năm sau đó, ông phát minh ra định luật tuần hoàn Mendeleev nổi tiếng. Trên cơ sở ấy, ông lập ra bảng tuần hoàn hóa học - chiếc chìa khóa tìm ra nhiều nguyên tố hóa học mới
Thiên tài Mendeleev không chỉ có những cống hiến trong hóa học, mà còn cả trong vật lý, hóa lý và thiên văn học. Ông đã hệ thống hóa những tri thức tản mạn về hình tượng đồng hình, nhờ đó phát triển môn địa hóa học. Meendeleev phát hiện nhiệt độ sôi tới hạn, xây dựng thuyết hydrat hóa của dung dịch. Ông còn đề xuất thuyết nguồn gốc vô cơ của dầu mỏ, nghiên cứu chế tạo thuốc súng không khói, hoàn thiện kỹ thuật đo lường... Ngoài ra, ông còn là một nhà công nghệ tài năng, đề xuất phương pháp khai thác dầu mỏ và nhiều quy trình sản xuất khác. Toàn bộ công trình của Mendeleev được tập hợp trong 25 bộ sách.
Mendeleev được Anh quốc tặng huân chương Fadray và được mời làm viện sĩ danh dự của nhiều viện hàn lâm khoa học trên thế giới.
Gregor Johann Mendel
Sinh ngày 22 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1822) trong một gia đình nông dân ở Séc. Hai lần ông có ý định trở thành thầy giáo trung học nhưng cả hai lần đều thi trượt. Khi đã 29 tuổi, ông trở lại học toán, lý, hóa, sinh vật ở trường Đại học Vienna (Áo). Từ năm 1856, Mendel bắt đầu thử nghiệm lai phối hợp các thứ đậu khác nhau. Sau 7 năm nghiên cứu, Mendel công bố kết quả trong bản luận văn mang tiêu đề Sự lai giống thực vật. Nhưng phải mãi đến năm 1900, định luật về di truyền học của Mendel mới được phổ biến rộng rãi, làm nền tảng cho ngành di truyền học.
Louis Pasteur
Pasteur sinh ngày 27 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1822) tại thành phố Dole, miền tây nước Pháp. Năm 1874, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lý và một năm sau đã có phát minh về tinh thể học. Pasteur đã tìm ra nguyên nhân làm hỏng rượu bia, chứng minh chính các vi sinh vật là nguồn gốc của sự lên men. Ông còn nghiên cứu về bệnh của tằm và đề ra phương pháp phòng chống sự lây lan của bệnh tằm.
|
Louis Pasteur
|
Năm 1868, ông bị liệt nửa người bên phải, đi lại khó khăn. Nhưng trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa ấy, 40 năm còn lại của cuộc đời, Pasteur đã hoàn thành sự nghiệp của một con người vĩ đại. Ông tìm ra nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm ở súc vật và chế ra vắcxin phòng bệnh chó dại. Với những cống hiến lớn lao đó, khi ông qua đời (ngày 28/9/1895), Chính phủ Pháp đã cho tổ chức quốc tang Pasteur.
Max Planck
Planck sinh ngày 23 tháng 4 năm Mậu Ngọ (1858) tại Kiel (Đức). Năm 21 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về Nguyên lý thứ hai của động lực học. Năm 1885, Planck được phong giáo sư phụ giảng tại Đại học Kiel và trở thành giáo sư thực thụ tại Đại học Berlin năm 1889. Từ năm 1930 cho đến khi mất, ông làm Giám đốc Viện nghiên cứu Konig Wilhelm nổi tiếng. Ông cũng có công phát triển Hội Vật lý Đức. Phát minh quan trọng nhất của Plank là thuyết lượng tử. Năm 1918, Planck được trao giải Nobel Vật lý.
|