Tự nhiên [ Đăng ngày (28/12/2013) ]
Nghiên cứu tính đa dạng nguồn gen di truyền và thành phần hóa học của một số loài lá kim ở Tây Nguyên: triển vọng tìm kiếm các chất có hoạt tính sinh học cao trong điều trị bệnh ung thư
Theo kết quả điều tra của các nhà thực vật Việt Nam, ở Tây Nguyên có 15 loài lá kim, trong đó nhiều loài có giá trị dươc liệu cao. Tuy nhiên mới chỉ có loài Thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana) được nghiên cứu tương đối kỹ, các loài khác chưa từng được nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học, ở nước ta cũng như trên thế giới. Trong khi đó một số loài đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng nguồn gen của các loại lá kim tại Tây Nguyên, đồng thời phát hiện, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa ở Tây Nguyên.

Thực địa điều tra và thu mẫu tại các tỉnh Tây Nguyên

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung đó, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam triển khai đề tài TN3/T15 “Nghiên cứu tính đa dạng nguồn gen di truyền và thành phần hóa học một số loài lá kim ở Tây Nguyên, đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững” (thời gian thực hiện từ 11/2012 - 10/2015), với một số nội dung nghiên cứu chính sau đây:

  • Phân tích DNA, xác định trình tự nucleotide đặc trưng cho 15 loài lá kim có ở Tây Nguyên;
  • Đánh giá hiện trạng cấu trúc quần thể, nghiên cứu tính đa dạng di truyền nguồn gen ở mức độ phân tử và xác định các nguyên nhân gây suy giảm tính đa dạng đó của 7 loài lá kim quý hiếm (thuộc họ Thông, Kim giao, Hoàng đàn và Đỉnh tùng) bị đe dọa tuyệt chủng ở Tây Nguyên;
  • Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cho 2 loài lá kim chọn lọc (cây Đỉnh tùng và cây Thông lá dẹt);
  • Trên cơ sở các kết quả thu được, đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng, khai thác và phát triển bền vững cho các loài này ở Tây Nguyên; đồng thời xây dựng các bộ mẫu tiêu bản khô để lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên.

DinhThiPhong anh 1m

Trong một năm triển khai đề tài (11/2012 - 10/2013), nhóm nghiên cứu đã thu được 1500 mẫu lá/vỏ/rễ để phân tích DNA của 15 loài lá kim có ở Tây Nguyên và tiến hành phân tích thành phần hóa học của một số loài (Đỉnh tùng, Kim giao núi đất, Thông lá dẹt…). Kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học tách chiết là từ lá cây Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii) và vỏ rễ cây Thông lá dẹt (Pinus krempfii Lecomte) cho thấy:

  • Đối với cây Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook.f.): Từ lá cây Đỉnh tùng đã phân lập được 3 hợp chất ancaloid (ký hiệu là TN1, TN2 và TN3). Trong đó chất TN3 có hàm lượng khá cao (chiếm 0,04% so với mẫu khô). Từ vỏ cây Đỉnh tùng đã phân lập được 2 ancaloid (ký hiệu là TN4 và TN5) sạch với lượng khá cao. Đặc biệt chất TN4 có hàm lượng lớn (chiếm 0,64% so với mẫu khô), trong khi đó ở lá không thấy chất này. Chất TN5 chiếm 0,24% so với lượng mẫu khô. Dựa vào các số liệu phổ, các nhà khoa học đã chứng minh được chất TN5 có cấu trúc giống chất TN3. Các chất TN1, TN2 đang được xác định cấu trúc hóa học.
  • Đối với cây Thông lá dẹt (Pinus krempfii): từ vỏ rễ cây Thông lá dẹt thu tại Lâm Đồng đã phân lập và xác định được cấu trúc của 6 flavonoid (trong đó, chất galangin lần đầu tiên được phân lập từ loài cây này). Kết quả thử nghiệm cho thấy hai chất galangin và cryptostrobin có hoạt tính sinh học gây độc đối với 2 dòng tế bào ung thư là ung thư biểu mô da (Epidermoid carcinoma-KB) và ung thư gan (Hepatocellular carcinoma-HepG2). Và duy nhất chỉ có chất galangin là có tác động chống oxy hóa bởi phương pháp quét góc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) của chất thử với ngưỡng gây chết EC50 = 122.62 μg/ml.

DinhThiPhong cay dinh tung

DinhThiPhong caythong

Cây Đỉnh Tùng
(Khu vực Núi Voi, Đức Trọng, Lâm Đồng)

Cây Thông lông gà
(VQG Chư Yang Sin, Đắk Lắk)

Các kết quả ban đầu trên là tiền đề hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc tìm kiếm hoạt chất mới có hoạt tính sinh học cao từ các loài cây lá kim ở Tây Nguyên để điều trị một số bệnh nan y, đặc biệt là bệnh ung thư.

Nguồn tin: PGS.TS. Đinh Thị Phòng - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam-Chủ nhiệm Đề tài TN3/T15

Xử lý tin: Bích Diệp
Theo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (ttncac)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Lắng nghe bản thân
Nhằm hướng đến một lối sống an bình, tích cực, không lo âu. Sống cho giây phút hiện tại, chậm rãi quan sát và ghi nhận mọi thứ chính là mục tiêu của sống tỉnh thức. Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->