Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (20/12/2013) ]
|
Nghiên cứu một số đặc điểm cấu trúc rừng lá rộng thường xanh tại Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô làm cơ sở cho việc quản lý rừng bền vững
|
|
Trong sử dụng tài nguyên rừng, việc dẫn dắt cấu trúc rừng đến trạng thái đạt được sự cân bằng và ổn định về sản lượng gỗ là một nội dung quan trọng trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững. Vì vậy, đề tài nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác giữa Tổng cục Lâm nghiệp và trường Đại học Lâm nghiệp.
|
Ảnh minh họa
Nghiên cứu cấu trúc rừng để dẫn dắt các lâm phần chưa chuẩn về trạng thái chuẩn đạt được sự cân bằng và ổn định về trữ lượng là một yêu cầu cơ bản của quản lý rừng bền vững. Kết quả nghiên cứu rừng lá rộng thường xanh tại Công ty Lâm nghiệp Đắc Tô cho thấy tổ thành loài cây gỗ khá đa dạng (21 - 40 loài), nhưng có sự khác biệt giữa các trạng thái. Trong đó, có nhiều loài cây gỗ trước đây chưa được quan tâm khai thác nhưng hiện tại có tiềm năng lớn cần đưa vào khai thác. Phân bố N/D1.3 tuân theo dạng hàm Meyer và phân bố N/Hvn tuân theo dạng hàm Weibull. Tổ thành lớp cây tái sinh khá tương đồng với tổ thành tầng cây cao, số lượng và chất lượng cây sinh thái đảm bảo có thể áp dụng biện pháp xúc tiến tái sinh tự nhiên phục hồi rừng sau khai thác. Mô hình định hướng phân bố trữ lượng cho 3 lớp cây dự trữ, kế cận, thành thục là 12,7 m3: 34,86 m3: 52,5 m3, tiếp cận gần nhất cấu trúc chuẩn về trữ lượng theo tỷ lệ 1: 3: 5 được xác định ở trạng thái rừng giàu. Trữ lượng ở trạng thái rừng nghèo là khá thấp (< 80 m3/ha); trữ lượng ở trạng thái rừng trung bình đạt gần 160 m3/ha, nhưng phân bố trữ lượng theo 3 lớp cây chưa hợp lý do tỷ lệ về trữ lượng của lớp cây thành thục còn khá thấp so với yêu cầu của mô hình chuẩn. Do vậy, chỉ nên thực hiện khai thác ở trạng thái rừng giàu, chưa nên tiến hành khai thác ở trạng thái rừng trung bình vì dễ phá vỡ cấu trúc do tỷ lệ cây thành thục còn thấp. Biện pháp lâm sinh chủ yếu nên áp dụng ở trạng thái rừng nghèo và trung bình là nuôi dưỡng rừng phục hồi theo mô hình chuẩn về phân bố theo trữ lượng để đảm bảo yêu cầu FSC về khai thác không lạm dụng về vốn rừng.
|
thkhanh
Theo Tạp chí NN&PTNT, 21/2013 |