Nhằm mục tiêu bảo tồn và nâng cao năng suất các giống vật nuôi bản địa, trong đó có gà Ri - là một giống có nhiều đặc điểm tốt: khả năng chống chịu với các điều kiện nóng ẩm, dễ nuôi, ít bệnh tật, chất lượng thịt thơm, ngon, đề tài nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần giống gà này đã được tiến hành từ năm 2012. Nghiên cứu tiến hành chọn lọc gà theo tiêu chuẩn ngoại hình: màu lông vàng rơm, da vàng, chân vàng, mỏ vàng, mào đơn trong quần thể gà địa phương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 19,5% số gà đạt tiêu chuẩn. Sau đó cho nhân thuần và theo dõi khả năng sinh trưởng, khả năng đẻ trứng của đàn con thế hệ 1; kết quả cho thấy: Gà Ri có khối lượng cơ thể từ khi mới nở đến 17 tuần tuổi đều thấp, cụ thể ở 1 tuần tuổi đạt 42,3 ± 1,01 g/con; từ 1 đến 3 tuần tuổi khối lượng cơ thể tăng chậm; từ 3 đến 6 tuần tuổi tăng nhanh hơn; từ 6 đến 9 tuần tuổi tăng nhanh nhất; sau đó tăng khối lượng có chều hướng giảm dần; đển 17 tuần tuổi khối lượng cơ thể gà đạt 1166,3 ± 25.5 g/con. Khối lượng cơ thể của gà trống cao hơn so với gà mái ở tất cả các tuần tuổi. Gà Ri có tuổi đẻ quả trứng đầu tiên tương đối sớm, vào khoảng 130 ngày và tuổi đạt tỷ lệ đẻ 5% trong đàn là khoảng 135 ngày, tương ứng khối lượng cơ thể gà mái là 1200,5 g/con và 1206,2 g/con. Tỷ lệ đẻ thấp, cao nhất là 34,4% ở tuần tuổi thứ 23 và ổn định đến tuần tuổi thứ 34 và giảm dần từ tuần tuổi thứ 35.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, gà Ri ở khu vực này có khả năng sinh trưởng thấp, tỷ lệ đẻ thấp nhưng thời gian thành thục tương đối sớm, mức độ biến động về các chỉ tiêu nghiên cứu khá cao. Do vậy, cần phải quan tâm nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần để nâng cao năng suất gà Ri. |