Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Đối tượng nghiên cứu là phụ nữ đã sinh con từ tháng 9/2010 đến tháng 03/2011 tại các cơ sở y tế và đang sống tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, năm 2011, tự nguyện đồng ý tham gia nghiên cứu. Thời gian nghiên cứu từ tháng 01/2011 đến tháng 8/2011.
Qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đối tượng nghiên cứu có kiến thức cần thiết về HIV/AIDS còn thấp 44,2%. Chưa đến 1/3 đối tượng nghiên cứu có thái độ cần thiết về HIV/AIDS. Thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại. Kênh thông tin đối tượng nghiên cứu tiếp cận chủ yếu về kiến thức HIV/AIDS là từ tivi.
Một số rào cản sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện trong phòng lây truyền mẹ con của đối tượng nghiên cứu:
- Rào cản từ phía cung cấp dịch vụ: test xét nghiệm HIV miễn phí chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng số phụ nữ mang thai; cán bộ y tế không chủ động tư vấn, cung cấp thông tin về dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ khám thai; các cơ sở y tế cũng chưa đủ điều kiện để thiết lập phòng theo quy định, đặc biệt là chưa đảm bảo tính riêng tư.
- Rào cản từ phía phụ nữ mang thai: hiểu biết về HIV/AIDS và thông tin về dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện hạn chế; phụ nữ mang thai chưa có thái độ tích cực đối với người bị nhiễm HIV và phụ nữ mang thai e ngại đến với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Vì vậy, để tỷ lệ phụ nữ mang thai sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện tăng lên nên tăng cường công tác truyền thông về kiến thức về HIV/AIDS, đặc biệt kiến thức phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử thường xuyên và liên tục; Quảng bá lợi ích và nơi cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chú trọng kênh truyền thông qua tivi; Tư vấn sớm cho thai phụ khi đến khám thai tại các cơ sở sản khoa, nên lồng ghép nội dung tư vấn HIV với các bệnh khác cho thai phụ; Trang bị phòng tư vấn đảm bảo tính riêng tư tại các cơ sở sản khoa, đặc biệt là bệnh viện đa khoa thành phố và các trạm y tế xã, phường và các tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí lưu động tại các xã/phường, đặc biệt ở những xã vùng sâu, vùng xa ./. |