Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Xuất phát từ bối cảnh các chính sách y tế, tài chính y tế liên tục được ban hành, bổ sung, sửa đổi trong vòng 10 năm trở lại đây nhằm đáp ứng sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt quan tâm đến người nghèo, cận nghèo và các nhóm đối tượng xã hội. Đòi hỏi các cán bộ quản lý y tế cần có kiến thức về quản lý bệnh viện, kinh tế y tế, tài chính y tế nhằm đáp ứng với sự thay đổi lớn của chính sách. Việc nâng cao kiến thức về quản lý và lập kế hoạch cho các cán bộ quản lý y tế tuyến tỉnh, huyện nói chung, là rất cần thiết góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân đặc biệt. Để xây dựng chương trình và nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, dự án “Hỗ trợ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo” do Chính phủ Luxembourg tài trợ tiến hành đánh giá nhu cầu đào tạo của cán bộ quản lý tuyến tỉnh, huyện tại 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn trong tháng 4/2013.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tại vẫn có khoảng cách khá lớn giữa kiến thức, kỹ năng về quản lý so với nhu cầu cần thiết của công việc. Một trong những lý do cơ bản là tỷ lệ cán bộ được tham gia khóa đào tạo về quản lý còn rất khiêm tốn, còn lại gần ¾ cán bộ quản lý chưa được tham gia bất cứ khóa đào tạo nào về quản lý. Năm lĩnh vực có nhu cầu được đào tạo nhiều nhất là:
1. Lĩnh vực lập kế hoạch y tế (42,4%);
2. Lĩnh vực quản lý tài chính y tế (30,8%);
3. Lĩnh vực kinh tế y tế và bảo hiểm y tế (30,3%)
4. Quản lý nhân lực y tế (26,3%)
5. Lĩnh vực quản lý chất lượng (21,7%)
Về thời gian tổ chức khóa học, đa số cán bộ quản lý (56,6%) đề nghị mỗi khóa học chỉ nên kéo dài 2 – 3 ngày. Ngoài ra, cần có kế hoạch đào tạo cho các trạm trưởng trạm y tế xã về công tác lập kế hoạch và về lĩnh vực bảo hiểm y tế và đào tạo thường xuyên, liên tục cho đội ngũ lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt về các nội dung trên./. |