Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Viết Thái (Đoàn Quy hoạch Nông lâm nghiệp Thanh Hóa) và các cộng sự cùng thực hiện để xác định được cơ cấu giống lúa và chế độ canh tác thích hợp cho từng loại đất thâm canh lúa.
Nhóm tác giả đã tiến hành điều tra, lấy 219 mẫu đất trong 700 ha đại diện trên tổng 2264 ha vùng thâm canh lúa; tiến hành phân tích 8 chỉ tiêu nông hóa (độ chua pHKCl, hàm lượng hữu cơ tổng số (OM%), đạm tổng số (N%), lân tổng số (P2O5%), lân dễ tiêu (P2O5 mg/100g), kali tổng số (K2O%), kali dễ tiêu (K2O mg/100g) và dung dịch hấp thu (CEC lđl/100g).
Kết quả phân tích cho thấy: đất có độ chua (pH) ở mữ từ chua nhiều đến trung tính (pHKCl=4,12-5,19), tuy nhiên hàm lượng chất hữu cơ tổng số (OM%) ở mức giàu (OM%=3,4-4,82%); đạm tổng số (N%) chủ yếu ở mức giàu, dao động 0,18-0,24%; lân tổng số (P2O5%), ở mức giàu, dao động 0,11-0,27%; lân dễ tiêu (P2O5 dt) ở mức giàu, dao động 21,12-50,96 mg/100g đất. Trong đó, kali tổng số (K2O%) ở mức giàu, dao động 1,29-2,89%, nhưng kali dễ tiêu (K2O dt) ở mức trung bình, dao động 7,26-17,19 mg/100g đất; dung tích hấp thu (CEC) ở mức trung bình, dao động 0,39-26,93 me/100g đất. Trên cơ sở điều kiện sản xuất, thực trạng về độ phì nhiêu hiện tại của đất trong vùng thâm canh lúa, đã xác định được cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ, lượng phân bón hợp lý của từng loại giống trên từng loại đất và chế độ canh tác thích hợp cho từng loại đất vùng thâm canh lúa để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. |