Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (13/12/2013) ]
Kết quả nghiên cứu phân loại và đặc điểm chất lượng đất nông nghiệp của huyện Tiên Lãng TP. Hải Phòng theo phương pháp của FAO-UNESCO-WRB
Hệ thống phân loại đất Việt Nam theo FAO-UNESCO-WRB được áp dụng để xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/1.000.000 từ khoảng thập niên 90 của thế kỷ 20. Hệ thống phân loại này dựa trên quan điểm định lượng tính chất, không dùng yếu tố và quá trình vào phân loại, bởi vì chỉ có những tính chất mới gắn với yêu cầu của cây trồng thì phân loại mới có ý nghĩa thực tiễn.

Nhằm phân loại và lập bản đồ đất cho huyện Tiên Lãng tỷ lệ 1/25.000 theo phương pháp phân loại định lượng (FAO-UNESCO-WRB), nhóm tác giả gồm Nguyễn Bá Long (Đại học lâm Nghiệp), Bùi Quang Xuân, Lê Huy Bắc (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) và Đoàn Văn Điếm, Nguyễn Ích Tân (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã thực hiện nghiên cứu “Giải pháp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hợp lý và hiệu quả cho huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng”

Nhóm tác giả đã tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại đất và xây dựng bản đồ đất nông nghiệp huyện Tiên Lãng TP Hải Phòng; Đánh giá đặc điểm về chất lượng đất nông nghiệp…và đưa ra kết luận sau:

- Về số lượng đất: Đất sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Lãng được phân ra 2 nhóm đất chính, 10 đơn vị đất, 17 đơn vị đất phụ và 23 dưới đơn vị đất phụ.

- Về chất lượng đất:

Nhóm đất phù sa chiếm chủ yếu diện tích đất nông nghiệp huyện Tiên Lãng trong đó tập trung ở 3 đơn vị đất phù sa có tầng phèn tiềm tàng, đất phù sa nhiễm mặn nhiều và đất phù sa nhiễm mặn ít chiếm tới 72,68% diện tích điều tra. Đất có thành phần cơ giới từ thịt pha sét và limon đến thịt pha sét và cát; tầng mặt hầu hết là cơ giới trung bình; những tầng tiếp theo có sự tăng dần của hàm lượng hạt sét. Độ xốp đất tầng mặt thường đạt trên 50% và có chiều hướng giảm theo chiều sâu phẫu diện. Đất có phản ứng ít chua đến trung tính chiếm phần lớn diện tích, khoảng 1.200 ha đất chua nhiều đến hơi chua. Hàm lượng tổng số các chất dinh dưỡng ở mức trung bình, ở tầng mặt từ trung bình đến khá. Hàm lượng lân và kali dễ tiêu ở tầng mặt ở mức trung bình đến khá.

Đối với nhóm đất cát và đơn vị đất cát điển hình nhiễm mặn dung tích hấp thu trong đất ở mức trung bình đến thấp, dao động trong khoảng 2,58 – 4,73 meq/100g đất, trung bình đạt khoảng 3,46 meq/100g đất. Tổng các cation kiềm trao đổi ở mức thấp 1,78 mwq/100g đất. Hàm lượng OC, N, K tổng số ở mức nghèo đến trung bình; hàm lượng P2O5 và K2O trên tầng mặt đạt trung bình đến nghèo, ở các tầng dưới ở mức nghèo.

ntdien
Theo Tạp chí NN & PTNT số 14/2013
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->