Tây Nguyên là một trong hai vùng trồng ngô lớn nhất của cả nước, hàng năm gieo trồng trên 230.000 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng trên 1 triệu tấn (Niên giám Thống kê 2012). Tuy nhiên năng suất và sản lượng ngô ở khu vực này bị hạn chế bởi hạn và bệnh trong đó có bệnh gỉ sắt.
Để nâng cao năng suất, sản lượng ngô, hướng chọn tạo giống chịu bệnh gỉ sắt, nhóm tác giả Trường Đại học Tây Nguyên và Viện Nghiên cứu Ngô gồm Trần Thị Phương Hạnh và Bùi Mạnh Cường đã thực hiện nghiên cứu về đặc điểm nông sinh học và khả năng kết hợp của một số dòng ngô thuần chịu bệnh gỉ sắt (Puccinia sp.) tại các tỉnh Tây Nguyên.
Nhóm tác giả đã sử dụng vật liệu là các giống ngô lai thương mại NK67, NK66, C919, CP888, P4097, DeKalgold. Các dòng sử dụng làm đối chứng là bố mẹ của LVN10 (DF1, DF2); các dòng được rút ra từ các tổ hợp lai thương mại được sử dụng để đánh giá khả năng chịu bệnh và trong các thí nghiệm xác định khả năng kết hợp.
Sau 3 năm khảo sát đánh giá tập đoàn dòng ngô thuần đã chọn được 35 dòng thuần chịu bệnh gỉ sắt từ điểm 1 – điểm 3.
Sáu dòng có khả năng kết hợp chung cao là: G46, G47, G286, G1235, G1237 và G1238; bốn dòng có phương sai khả năng kết hợp riêng cao là: G17, G31, G40 và G41; hai dòng có khả năng kết hợp chung và phương sai khả năng kết hợp riêng khá là M67a và G289.
Xác định được 2 tổ hợp lai đạt năng suất trên 90 tạ/ha kháng bệnh gỉ sắt là: G46 x B67a và G46 x G2. |