Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (07/12/2013) ]
|
Nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để xác định phân bố và khả năng hấp thụ các bon của rừng
|
|
Tình trạng suy thoái và xuống cấp của rừng không những thải ra một lượng CO2 khổng lồ mà còn phá hủy các bề chứa các bon quan trọng trên toàn cầu và gây ra những tác động quan trọng đến sự ổn định của khí hậu trong tương lai. Vì vậy, việc xác định được khả năng hấp thụ các bon của rừng và lượng hóa chúng là vấn đề rất cấp thiết nhằm làm cơ sở đề xuất các biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu.
|
Mô hình vệ tinh phát hiện hỏa hoạn FUECO. Ảnh: University of California. (Ảnh minh họa)
Với mục tiêu sử dụng ảnh vệ tinh SPOT-5 để phân loại và xác định khả năng hấp thụ các bon của rừng nhằm xây dựng được bản đồ tài nguyên rừng để có thể sử dụng trong công tác quy hoạch quản lý tài nguyên rừng, xác định giá trị tín chỉ các bon, vận hành cơ chế phát triển sạch CDM, REDD+ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhóm tác giả Trần Quang Bảo và Lê Thái Sơn (Tường Đại học Lâm nghiệp) tiến hành điều tra trên 30 ô tiêu chuẩn điển hình ở các trạng thái rừng ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ chính xác của bản đồ phân loại là trên 85%, bao gồm 10 trạng thái lớp phủ khác nhau. Tổng sinh khối và trữ lượng các bon của các trạng thái rừng có sự biến động mạnh, cao nhất ở trạng thái rừng giàu (24,6 tấn/ha), thấp nhất ở trạng thái trảng cỏ, cây bụi (2,3 tấn/ha).
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được quy trình thành lập bản đồ tài nguyên rừng từ ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. Sơ đồ quy trình xây dựng bản đồ tài nguyên rừng từ tư liệu ảnh vệ tinh SPOT-5 là kết quả bước đầu cho một khu vực cụ thể, chưa đại diện cho nhiều trạng thái rừng khác nhau ở Việt Nam. Cần tiếp tục có nhiều nghiên cứu thử nghiệm ở nhiều khu vực khác nhau để quy trình được hoàn thiện hơn.
|
dnttrang
Theo Tạp chí NN&PTNT, 9/2013 |