Nông - Lâm - Ngư nghiệp [ Đăng ngày (30/11/2013) ]
Ảnh hưởng của bổ sung enzym, axit hữu cơ và bentonit vào khẩu phần đến phát thải nito, phốt pho, hydro sulfua và amoniac từ chất thải của lợn 20-50 kg
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của bổ sung enzym, axit hữu cơ và bentonit vào khẩu phần đến phát thải nito, phốt pho, hydro sulfua và amoniac từ chất thải của lợn 20-50 kg, do nhóm tác giả từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng trường Đại học Nông Lâm Huế đồng thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến lược phát triển chăn nuôi của nước ta từ nay đến năm 2020 đã nêu rõ việc phát triển mạnh phương thức chăn nuôi lợn công nghiệp theo hình thức gia trại và trang trại. Một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp là ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi do phát thải khí amoniac, khí gây mùi và khí nhà kính (GHG) và đào thải N, P ra môi trường đất và nước.

Chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi lợn tập trung chủ yếu vào: (1) Giảm thiểu tiền chất của các hợp chất gây ô nhiễm môi trường, như giảm hàm lượng protein thô trong khẩu phần ăn; (2) Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn như phối hợp khẩu phần ăn phù hợp với nhu cầu của con vật, cân đối các chất dinh dưỡng đặc biệt là protein và cacbonhydrat lên men, bổ sung enzym từ đó hạn chế tiền chất của các hợp chất gây ô nhiễm môi trường; (3) sử dụng các chất phụ gia sinh học và hóa học như axit hữu cơ, bentonit (Ca, K hay Na bentonit) để thay đổi môi trường (đặc biệt là pH của chất thải) tạo và phát thải các chất khác gây ô nhiễm; (4) sử dụng chổi sinh học (bioscrubber) và lọc sinh học (biofilter) để loại bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường.

Thí nghiệm được tiến hành trên 30 lợn lai Duroc x F1 (Landrace x Yorkshire) với khối lượng ban đầu 19,8 ± 1,8 kg. Thí nghiệm được thiết kế theo khối ngẫu nhiên đầy đủ với 01 nhân tố nghiên cứu là chất bổ sung vào khẩu phần gồm 01 đối chứng = khẩu phần cơ sở khổng bổ sung enzym, axit hữu cơ, bentonit (KPCS) và 04 nghiệm thức (i) KPCS+enzym; (ii) KPCS+axit hữu cơ; (iii) KPCS+enzym+axit hữu cơ; (iv) KPCS+bentonit. Mẫu không khí phát thải từ hố chất thải được thu để xác định phát thải NH3 và H2S. Mẫu chất thải được thu để xác định đặc tính hóa học của chất thải như vật chất khô, pH, hàm lượng N, P…

Kết quả cho thấy, bổ sung enzym; axit hữu cơ; enzym+axit hữu cơ; bentonit vào khẩu phần đã giảm 44% lượng NH3 phát thải từ chất thải của lợn và giảm 49% lượng H2S so với đối chứng. Bổ sung enzym, axit hữu cơ hoặc hỗn hợp enzym + axit hữu cơ vào khẩu phần đã làm giảm 45% lượng NH3 phát thải từ chất thải của lợn và giảm 43% lượng H2S so với bổ sung bentonit. Không có sự khác biệt về phát thải NH3 và H2S từ chất thải của lợn khi khẩu phần được bổ sung enzym, axit hữu cơ riêng lẻ hoặc hỗn hợp enzyme và axit hữu cơ. Không có sự khác biệt về phát thải NH3 và H2S từ chất thải của lợn khi khẩu phần được bổ sung enzyme so với bổ sung axit hữu cơ. Có thể giảm thiểu phát thải khí NH3 và H2S từ chất thải của lợn bằng cách bổ sung vào khẩu phần ăn enzym hoặc axit hữu cơ.

Ngọc Các
Theo Tạp chí NN&PTNT, 17/2013
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->