Lúa tẻ râu là giống lúa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Với đặc điểm nổi trội hạt gạo trắng, dài và to tròn. Cơm gạo râu thơm, mềm, độ dẻo vừa phải, vị đậm ăn rất ngon do đó, giá thành của loại gạo này thường cao hơn các loại gạo khác trên thị trường, và được bán với số lượng ít.
Tuy nhiên, do canh tác theo phương pháp truyền thống, không được chọn lọc cẩn thận cho nên giống lúa này ngày càng bị thoái hoá, phân li ra quá nhiều dòng, không giữ được đặc điểm trội, nhiều sâu bệnh, năng suất thấp.
Trước thực trạng đó, từ năm 2012 đến nay, Sở KH&CN Lai Châu đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề - Đại học Nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu, phục tráng, phát triển giống lúa này qua đề tài khoa học “Phục tráng và phát triển giống lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu”.
Đề tài được thực hiện trong 3 năm (2012- 2015) với các nội dung Điều tra khảo sát tình hình sản xuất giống lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ; nghiên cứu phục tráng giống lúa tẻ râu tại huyện Phong Thổ; đánh giá chất lượng cơm của giống lúa tẻ râu sau khi phục tráng; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thâm canh giống lúa tẻ râu; xây dựng mô hình sản xuất trình diễn lúa tẻ râu đã phục tráng; tuyên truyền nhân rộng mô hình phục vụ sản xuất, trên các xã điểm triển khai của huyện Phong Thổ: Mường So, Nậm Xe và Khổng Lào.
Đến thời điểm hiện tại đề tài đã triển khai được 3 vụ: Vụ thứ nhất (Vụ Go), gieo vật liệu khởi đầu Go để chọn cá thể và xây dựng tiêu chuẩn phục tráng. Rút cá thể phục tráng; vụ thứ hai (Vụ G1): Đánh giá dòng G1 và so sánh các tiêu chuẩn giống gốc; vụ thứ ba (Vụ G2): So sánh dòng G2 đã được tuyển chọn, nhân sơ bộ và hỗn dòng tạo lô hạt siêu nguyên chủng.
Tại Hội nghị đầu bờ lần 1 đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện đề tài, các đại biểu tham gia, trong đó có người dân đều cho rằng giống lúa Tẻ râu được chọn tạo đến vụ thứ ba (Vụ G2) vẫn giữ được các đặc điểm của giống gốc: khi nấu cơm ngon có mùi thơm và dẻo, cho năng suất dự kiến đạt 4,5 tấn/ha, tăng từ 10 - 15% so với trước đây, đặc biệt, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, không bị bệnh, bông trỗ đều, tỷ lệ hạt chắc cao.
Việc phục tráng giống lúa Tẻ râu sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn nguồn gen cây trồng quý mang tính bản địa của địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Đề tài đang tiếp tục triển khai các nội dung tiếp theo. |