Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (31/10/2013) ]
|
Khả năng thay thế protein bột cá bằng protein rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoraceae) làm thức ăn cho cá tai tượng (Osphronemus goramy)
|
|
Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng thay thế protein bột cá bằng protein bột rong bún (Enteromorpha sp.) và bột rong mền (Cladophoraceae) làm thức ăn cho cá tai tượng (Osphronemus goramy) giống, do nhóm tác giả thuộc khoa Thủy sản – trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
|
Ảnh minh họa
Thức ăn chiếm hơn nửa chi phí biến đổi trong nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong đó bột cá được xem là nguồn cung cấp protein chủ yếu trong thức ăn viên.
Cá tai tượng (Osphronemus goramy) là loài ăn tạp thiên về thực vật gồm các loại rong, bèo, thực vật bậc cao, dễ nuôi và sống được trong môi trường nước lợ có độ mặn 6-7‰. Do đó, rong bún và rong mền có thể được xem là một trong những nguồn nguyên liệu thích hợp thay thế protein bột cá trong khẩu phần ăn hoặc sử dụng làm thức ăn trưc tiếp cho cá tai tượng.
Thí nghiệm gồm 7 nghiệm thức với 3 lần lặp lại, trong đó nghiệm thức thúc ăn đối chứng với nguồn cung cấp là protein bột cá, 6 nghiệm thức còn lại có mức protein bột cá được thay thế bằng protein rong bún hoặc rong mền lần lượt là 15%, 30% và 45%. Tất cả các loại thức ăn thí nghiệm có cùng hàm lượng protein (30%), lipit (7%) và mức năng lượng (4 kcal/g). Sau 8 tuần thí nghiệm, tỷ lệ sống của cá tai tượng không bị ảnh hưởng bởi nghiệm thức thức ăn, dao động từ 80,0 đến 82,2%. Khi so sánh nghiệm thức thức ăn đối chứng với các nghiệm thức có protein rong bún thay thế với các mức từ 15% đến 45% protein bột cá; và nghiệm thức rong mền thay thế 15% và 30% protein bột cá thì sự khác biệt giữa các nghiệm thức không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) về tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn. Riêng nhóm cá ở nghiệm thức 15% protein bột rong bún đạt tăng trưởng khá tốt hơn so với nhóm cá ăn thức ăn đối chứng. Tuy nhiên, nhóm cá ở nghiệm thức được thay thế 45% protein bột cá bằng protein rong mền biểu thị sự tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn thấp hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với nhóm thức ăn đối chứng và nghiệm thức 15% protein rong bún.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, protein bột cá có thể được thay thế 30% protein rong mền và 45% protein rong bún trong khẩu phần ăn cho cá tai tượng. |
ntctu
Theo Tạp chí NN&PTNT, 18/2013 |