Nông - Lâm - Ngư nghiệp
[ Đăng ngày (31/10/2013) ]
|
Ảnh hưởng của nguồn gốc cá bố mẹ đến sinh trưởng của cá rô (Anabas testudineus Bloch, 1792) giai đoạn nuôi cá thịt
|
|
Nghiên cứu này nhằm tiếp tục tìm hiểu ảnh hưởng của nguồn gốc cá rô (Anabas testudineus) bố mẹ khác nhau, gồm cá rô tự nhiên thu ở Cà Mau (i), Đồng Tháp (ii), Hậu Giang (iii) và cá rô đầu vuông (iv) đến sinh trưởng của đàn con giai đoạn nuôi cá thịt. Nghiên cứu do tác giả Dương Thúy Yên – Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
|
Ảnh minh họa
Đánh giá biểu hiện của các dòng cá khác nhau trong cùng một điều kiện nuôi là một trong những khâu quan trọng trong chọn giống thủy sản, nhằm tìm ra những dòng có biểu hiện tốt về những tính trạng mong muốn, phục vụ cho công tác lai tạo và chọn lọc. Đối với cá rô đồng, một trong những đối tượng được nuôi phổ biến hiện nay, việc nghiên cứu biểu hiện về một số đặc điểm quan trọng phục vụ phát triển nuôi (như tăng trưởng, tỷ lệ sống hiệu quả sử dụng thức ăn,… ) của cá rô tự nhiên và cá rô đầu vuông có ý nghĩa quan trọng.
Bốn dòng cá có cùng 60 ngày tuổi được bố trí ngẫu nhiên vào 16 giai (1,5 x 1,5 x 2 m) đặt trong cùng một ao. Cá được chọn 100 con đều cỡ cho mỗi giai và chênh lệch về khối lượng ban đầu trong cùng một dòng được xét như ảnh hưởng khối (không lặp lại). Sau 4 tháng, cá rô đầu vuông có khối lượng cao nhất (20,73±3,95 g) có ý nghĩa so với các dòng cá tự nhiên (Cà Mau: 17,29±1,99 g; Hậu Giang: 12,30±0,67 g và Đồng Tháp 10,70±1,23 g) nhưng tốc độ tăng trưởng khác biệt không có ý nghĩa so với cá rô Cà Mau (tương ứng 0,130±0,015 và 0,117±0,011 g/ngày). Trong 3 dòng cá tự nhiên, cá Cà Mau tăng trưởng tốt nhất. Tỷ lệ sống và hệ số thức ăn không có sự khác biệt giữa các dòng cá. Trong cùng một dòng, tốc độ tăng trưởng của cá không phụ thuộc vào kích cỡ ban đầu. Như vậy, cá rô Cà Mau và đầu vuông có thể là những nguồn vật liệu tốt cho các chương trình chọn giống cá rô.
|
ntctu
Theo Tạp chí NN&PTNT, 18/2013 |