Ảnh minh họa
Thí nghiệm được theo dõi trong 6 tháng và được bố trí theo kiểu lô chính, lô phụ (split – plot design) với 3 lần lặp lại cho 2 nhân tố là che sáng (với 4 mức: đối chứng – A0, che 25% - A1, che 50% - A2 và che 75% - A3) và phân đạm (với 4 mức nồng độ: đối chứng – N0, 0,1% - N1, 0,3% - N2 và 0,5% - N3).
Cây Mun ở giai đoạn vườn ươm có tỷ lệ sống khá cao và sinh trưởng khá nhanh. Sau 6 tháng chăm sóc tỷ lệ sống cao nhất đạt sấp xỉ 90%; đường kính cổ rễ (Do), chiều cao vút rễ (H) và số lá/cây trung bình là 4,7 mm, 48,8 cm và 24 lá/cây. Việc che sáng và bón đạm có ảnh hưởng rõ rệt đến các chỉ tiêu này.
Đối với tỷ lệ sống, công thức che sáng A1, A2, A3 cho tỷ lệ sống cao hơn hẳn (gấp gần 1,4 lần) so với công thức đối chứng A0 (đạt 64,3%). Tuy nhiên, nhân tố phân đạm chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến chỉ tiêu này.
Đối với các chỉ tiêu sinh trưởng, nhân tố che sáng có ảnh hưởng rất rõ rệt, nhưng mức che sáng phù hợp biến động theo giai đoạn tuổi. Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, mặc dù các công thức có che sáng cho chỉ tiêu sinh trưởng lớn hơn công thức đối chứng, nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt giữa các công thức này. Tuy nhiên, đến giai đoạn 4 và 6 tháng tuổi thì mức che sáng 50% là tối ưu.
Nhân tố đạm trong thí nghiệm này mặc dù chưa có ảnh hưởng rõ đến tỷ lệ sống, nhưng lại ảnh hưởng khá rõ đối với các chỉ tiêu sinh trưởng và có mức độ ảnh hưởng khác nhau ở các giai đoạn tuổi khác nhau. Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, các công thức cho giá trị sinh trưởng cao là N1 (0,1%) và N2 (0,3%), ở giai đoạn 4 tháng tuổi các nồng độ bón cao hơn N2 (0,3%) và N3 (0,5%) có ảnh hưởng tốt hơn Do và H. Ở giai đoạn 6 tháng tuổi thì công thức N3 (0,5%) được coi là công thức tốt nhất. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu bón đạm của cây Mun tăng theo tuổi trong giai đoạn vườn ươm, trong giai đoạn 2 tháng tuổi nên bón ở mức 0,1% đến 0,3%, còn trong giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi nên bón đạm ở nồng độ cao hơn (mức 0,5%). |