Tự nhiên
[ Đăng ngày (29/09/2013) ]
|
Nghiên cứu hiệu quả xử lý màu và chất hữu cơ trong nước thải mực in bằng công nghệ oxy hóa bậc cao UV/O3
|
|
Nghiên cứu do tác giả Trần Thị Nhung (Công ty Nước và Môi trường Bình Minh) và Vũ Văn Nghị (Đại học Khoa học Tụ nhiên – TP. Hồ Chí Minh) đồng thực hiện nhằm khảo sát hiệu quả của quá trình ozon quang hóa thông qua các thí nghiệm xác định điều kiện xử lý tối ưu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tạo nghiên cứu nền tảng về khả năng ứng dụng công nghệ AOP đối với một trong những loại nước thải công nghiệp khó xử lý nhất.
|
Ảnh minh họa
Nước thải mực in phát sinh từ các công đoạn của quá trình sản xuất, vệ sinh thiết bị máy móc và quá trình vệ sinh xưởng khi mực in bị tràn đổ với các chất ô nhiễm chính là acrylic resin dạng nhũ tương hòa tan trong nước và bột màu. Đây là một trong những loại nước thải công nghiệp rất khó phân hủy sinh học.
Quá trình oxy hóa bậc cao UV/O3 được ứng dụng để xử lý độ màu và chất hữu cơ trong nước thải mực in; thực hiện nghiên cứu điển hình cho nước thải sau xử lý bằng keo tụ tạo bông của nhà máy sản xuất mực in Tân Đông Dương – Khu Công nghiệp Biên Hòa 1 – Đồng Nai.
Kết quả khảo sát dựa trên mô hình phòng thí nghiệm cho thấy, hiệu quả xử lý màu và COD của hệ O3 và hệ UV/O3 đối với mẫu nước thải tự tạo và mẫu nước thải thực có sự tương đồng với nhau nên kết quả nghiên cứu có độ tin cậy cao. Hệ UV/O3 xử lý màu và chất hữu cơ tốt hơn hệ O3 nhờ bức xạ UV có tác dụng tạo ra nhiều gốc tự do OH- hơn. Hiệu quả khủ màu và loại COD bằng hệ UV/O3 đối với nước thải mực in sau keo tụ tạo bông của nhà máy Tân Đông Dương lần lượt là 83,4% và 54,3% tại các điều kiện tối ưu với pH = 9, hàm lượng O3 43,2mg/giờ và thời gian 80 phút. Nước thải sau xử lý bằng quá trình AOP này đạt cột A – QCVN 40:2011/BTNMT.
Ngoài các yếu tố ảnh hưởng chính như pH và hàm lượng O3, sự hiện diện của các anion vô cơ thường gặp như Cl. HCO3-, SO42- trong nước thải cũng làm giảm hiệu quả của quá trình oxy hóa bậc cao, do đó để làm đảm bảo hiệu quả cần có biện pháp khử hoặc hạn chế ảnh hưởng của chúng.
Kết quả nghiên cứu này là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng thực tiễn về xử lý nước thải ngành công nghiệp sản xuất mực in, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý tiếp theo ở hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. |
Thuy Hang
Theo Tạp chí NN&PTNT, 17/2013 |