Rong bún trong ao, phơi rong, chế biến thức ăn và thí nghiệm nuôi cá bằng thức ăn phối chế với rong bún. Nguồn: http://caf.ctu.edu.vn
Rong bún (Enteromorpha Spp.) thuộc ngành rong lục, ở Việt Nam, rong bún thường bám trên đá, sỏi, vỏ động vật ở trên các bãi triều từ bãi triều giữa đến triều thấp ở các tỉnh miền Trung. Với diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ ở ĐBSCL, phần lớn là ao/đầm tôm quảng canh, cho thấy nguồn lợi rong bún trong vùng là rất thấp.
Nghiên cứu được thực hiện hàng tháng từ tháng 3/2011 đến tháng 2/2012 ở các ao quảng canh và thủy vực tự nhiên của tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Các loài rong bún (Enteromorpha Spp.) phân bố chủ yếu ở các thủy vực nước tĩnh, nước trong và độ mặn thấp (1-3‰) như các ao quảng canh và thủy vực tự nhiên. Ngoài ra rong bún cũng được tìm thấy ở các thủy vực nước lợ khác nhau như kênh nước thải, những ao hồ gần khu dân cư, ao tôm thâm canh bỏ hoang hoặc giữa hai chu kỳ sản xuất.
Kết quả khảo sát đã phát hiện rong bún có thể được tìm thấy quanh năm ở các thủy vực nước lợ khác nhau và sinh lượng rong bún biến động lớn ở những thời gian khác nhau trong năm giữa tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), có khuynh hướng giảm từ tháng 6 trở đi. Sinh lượng rong bún trung bình ở Bạc Liêu 0,46 – 2,73 kg/m2 và ở Sóc Trăng là 0,31 – 1,82 kg/m2. Năng suất rong bún ở các thùy vực ở Bạc Liêu dao động 3.000 -16.320 kg/ha, ở Sóc Trăng từ 312 – 13.024 kg/ha.
Nhiệt độ và độ mặn là hai nhân tố chính của yếu tố môi trường có ảnh hưởng nhiều đến sự phân bố, phát triển và sinh trưởng của rong bún. Vào thời điểm nắng nóng hoặc độ mặn thấp, rong bún ít xuất hiện và có dấu hiệu tàn lụi nhanh. Ngoài ra, rong bún còn bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật canh tác của nông hộ. |