Qua 18 lần tổ chức, đến triển lãm lần này được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (quận 4, TPHCM), là địa điểm mà các sự kiện công nghệ lớn, có tính chất quốc tế hầu như khó để mắt đến.
Theo thông cáo báo chí IDG phát ra, triển lãm lần này tập trung gần 200 gian hàng của hơn 100 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các nhóm sản phẩm như: phần cứng và thiết bị văn phòng, thiết bị âm thanh kỹ thuật số, thiết bị viễn thông và di động... Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có hơn 60 gian hàng được trưng bày tại đây, nổi bật nhất là Qualcomm (đơn vị tài trợ chính cho VCW 2013), và thương hiệu Lenovo cũng đã quay lại triển lãm này sau nhiều năm vắng mặt.
Giải thích việc này, một giám đốc của IDG cho rằng, trong mỗi gian hàng có những quầy trưng bày như của các dòng điện thoại như HTC, LG… cũng là một gian hàng thì khó thuyết phục. Mà tính ra, chỉ quanh gian hàng của Qualcomm mới có quầy trưng bày như kiểu nói trên thì con số 200 khó mà tính đủ.
So với những năm trước, quy mô triển lãm đã giảm đi đáng kể về diện tích, số lượng các gian hàng và đặc biệt là sự thiếu vắng các tên tuổi lớn của làng công nghệ thế giới... Và ngày càng tệ hơn khi ban tổ chức “thay” vào đó chủ yếu là những gian hàng của doanh nghiệp Trung Quốc ít tên tuổi giới thiệu các dòng smartphone, tablet… có hình dáng na ná như những sản phẩm của các hãng công nghệ tên tuổi khác.
Ước tính có khoảng 40% gian hàng của các doanh nghiệp chẳng có tên tuổi gì xuất hiện tại triển lãm này, bên cạnh việc giới thiệu, bán smartphone, tablet… còn giới thiệu chuột máy tính, vỏ máy tính… Lẽ nào sự độc đáo của một triển lãm về công nghệ nằm ở đây?
Cũng cần nói thêm, gọi là triển lãm quốc tế kỷ nguyên công nghệ số nhưng tại đây, quá nhiều gian hàng bán ốp lưng điện thoại di động, pin sạc dự phòng… và giới thiệu náo nhiệt, xôm tụ không khác gì điểm chuyên bán phụ kiện lớn ở thành phố, lấn át cả “kỷ nguyên công nghệ”. Và dẫu biết sự kiện nào cũng có những “hạt sạn”, song với một triển lãm chuyên về công nghệ mà có cả gian hàng giới thiệu căn hộ cao cấp và cả cà phê bột đóng gói… thì khó mà chấp nhận.
Tiền thân của triển lãm này là Computer World Expo vốn quen thuộc và luôn tạo sự hào hứng với giới đam mê công nghệ từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 1996 và vài lần sau đó... Nhưng đến nay, một triển lãm về công nghệ số qua 18 lần tổ chức lại thể hiện sự chắp vá, gắng gượng nên sức hút cũng chẳng còn thì IDG có nên khai tử nó hay không là một vấn đề nghiêm túc cần đặt ra.
Còn nếu không khai tử, liệu IDG có làm được sự khác biệt, đẳng cấp trong lần triển lãm kế tiếp ở năm sau hay không là điều mà giới công nghệ đang cần, chứ không cần kiểu tổ chức ngày càng… tệ như VCW 2013. |