Hiện nay, hoạt chất Fenobucarb được sử dụng phổ biến trong canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt chất Fenobucarb thuộc nhóm carbmate, gây độc qua cơ chế làm giảm hoạt tính enzyme Cholinesterase (ChE). Cá lóc (Channa striata) thường xuyên sinh sống ở đồng ruộng. Do đó, cá có nguy cơ bị ảnh hưởng từ sử dụng thuốc.
Nghiên cứu nhằm đánh giá độc tính của hoạt chất Fenobucarb đối với cá lóc thông qua xác định nồng độ gây chết 50% cá (LC50), nhạy cảm, khả năng phục hồi và liên quan ức chế ChE đến các biểu hiện bất thường của cá sau khi tiếp xúc với thuốc.
Thí nghiệm được thực hiện tại phòng thí nghiệm Độc học, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ và ruộng lúa tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy Fenobucarb có tác dụng gây độc nhanh, gây chết cá tập trung trong khoảng 3-48 giờ sau khi tiếp xúc. Hoạt chất này có độc tính trung bình đối với cá lóc đồng. Nồng độ gây chết 50% cá cỡ giống trong 96 giờ là 3,63 mg/L.
Fenobucarb gây ức chế ChE tăng dần theo thời gian và nồng độ, tỷ lệ ChE bị ức chế cao nhất tại thời điểm 36 giờ sau khi tiếp xúc và có khả năng phục hồi hoàn toàn sau khi cho ra nước sạch ba ngày. ChE ở cá lóc rất nhạy cảm với Fenobucarb, nồng độ thấp nhất ảnh hưởng của Fenobucarb lên hoạt tính ChE ở cá lóc là 0,036 mg/L.
Cá mất định hướng, co cơ và chết có tỷ lệ ức chế ChE trung bình lần lượt là 45,2%, 63,6%, 87,6%. |