Cơ khí [ Đăng ngày (29/07/2013) ]
Robot thu hoạch rau
Ở thung lũng Salinas, “cái nôi trồng rau xanh của Hoa Kỳ”, robot thu hoạch đã được triển khai trên đồng ruộng.

Thử nghiệm Salad Robot ở Salinas Valley hôm 23/05/2013

Một robot bằng 20 lao động 

Tích hợp các cảm biến, phần mềm nhận dạng hình ảnh thông minh với công nghệ định vị GPS có độ chính xác cao, Salad robot  - một thiết bị bằng kim loại được đặt trên bốn bánh xe gắn với một máy kéo được đưa ra những cánh đồng rộng bạt ngàn ở thung lũng Salina, vùng chuyên canh rau ở California, để thu hoạch những cây xà lách đã đến thời kỳ bán ra thị trường. Một Salad robot có thể thay thế 20 lao động thủ công trong việc thu hoạch có chọn lọc xà lách trên đồng ruộng. 

Các loại robot phục vụ nông nghiệp còn cần thêm nhiều năm nữa để phát triển và hoàn thiện trước khi được sản xuất hàng loạt. Nhưng ở vùng chuyên canh rau quả phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư như thung lũng Salina, việc sớm sử dụng robot trong khâu thu hoạch giúp giải quyết khó khăn cơ bản về lao động. 

Trong nhiều năm qua, nghiên cứu tự động hóa trong nông nghiệp đã bị sao lãng, do lực lượng lao động thủ công khá đông đảo và giới công đoàn luôn kình chống mọi nỗ lực hợp lý hóa sản xuất. Nhưng những năm gần đây, do thiếu lao động và chịu áp lực cạnh tranh khá lớn với nước ngoài nên các chủ trang trại bắt đầu tìm kiếm các loại thiết bị, máy móc thích hợp để giảm chi phí sản xuất và thoát tình trạng lệ thuộc vào thị trường lao động khá bấp bênh, đặc biệt đối với lao động thời vụ. Chính phủ ở California, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp thương mại, cùng đóng góp tài chính để xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, những người đại diện cho lao động nông nghiệp lại phản đối và cho rằng: tự động hóa trong nông nghiệp cuối cùng sẽ dẫn đến thiếu việc làm. Các chủ trang trại sẽ sử dụng nhiều hơn thuốc bảo vệ thực vật, góp phần vào việc mất an toàn thực phẩm. 

Con người vẫn hơn máy móc

Tự động hóa khâu thu hoạch quả tươi luôn là thách thức lớn nhất. Bên cạnh xác định độ chín của sản phẩm, robot còn phải có khả năng phân biệt lá cây với cành cây. Vì vậy, cho đến nay ở một số công đoạn, lao động thủ công vẫn làm việc này nhanh hơn và khéo léo hơn so với robot.  
 
“Người lao động kết hợp mắt và tay vô cùng nhuần nhuyễn nên họ thu hái rất nhanh. Hiện tại, máy móc vẫn chưa thể thay thế con người cả về tốc độ cũng như hiệu quả kinh tế, phải mất một thời gian dài nữa mới có thể cải thiện tình trạng này,” ông Daniel L. Schmoldt của Viện Quốc gia về Thực phẩm và Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhận xét.

Các kỹ sư thuộc doanh nghiệp Agrobot của Tây Ban Nha ở California hiện đang phối hợp với các chủ trang trại thử nghiệm một loại máy thu hoạch dâu tây. Máy có 24 tay và được điều khiển bởi các cảm biến quang mà nhờ đó, robot có khả năng phân biệt quả dâu qua màu sắc, độ lớn và chất lượng. Sau khi thu hoạch, quả dâu được đưa vào băng chuyền và chỉ cần một lao động để đóng gói sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, phải mất ít nhất mười năm nữa mới có thể thực hiện sản xuất hàng loạt và đưa ra thị trường các loại máy thu hoạch quả tươi kiểu này. Lupe Sandoval, Giám đốc Hiệp hội giới chủ trang trại, tin rằng, sẽ xuất hiện các loại máy tự động thu hoạch trái cây. Ông nói: “Con người đã lên được mặt trăng, thì không lẽ gì con người không làm ra được robot tự động thu hoạch hoa quả.”

Theo Tia Sáng (pcmy)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu đánh giá lượng chất thải rắn bị rò rỉ ra môi trường khu vực quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày nay, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) do con người thải bỏ tại các đô thị phần lớn đã được thu gom, tuy nhiên vẫn còn một phần bị rò rỉ và xả thải vào môi trường. Vì vậy, đánh giá lượng rác và thành phần rác bị rò rỉ ra môi trường là cần thiết trong bối cảnh công tác BVMT ngày càng được quan tâm. TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn nhất Việt Nam, có khoảng 9 triệu người. Hiện nay, ước tính mỗi ngày trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.800 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98 kg/người/ngày. Với tỷ lệ thu gom là 91% thì trung bình mỗi ngày ước tính sẽ có gần 900 tấn rác chưa được thu gom đúng cách, lượng chất thải này sẽ phát tán vào môi trường, theo các kênh rạch, sông chảy ra biển. Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, chất thải nhựa dễ bị phân rã thành các mảnh vụn nhỏ và vi nhựa, dễ dàng rò rỉ vào môi trường.




Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->