Triệu chứng gây hại
Loại sâu mới này gây hại bằng cách đục vào trái dừa khi trái mới đậu (đường kính trái khoảng 2 - 3 cm) đến khi trái 4 tháng tuổi. Vết đục thường tập trung quanh cuống trái và mầu (phần non và mềm nhất của trái), ấu trùng đục và ăn phần xơ mềm (trung quả bì) ở nửa phía trên của trái tạo ra những đường hầm. Trái dừa mới tượng bị sâu tấn công sẽ rụng sớm, mỗi trái non thường chỉ có 1 con/trái. Trong khi trái dừa 2 - 3 tháng tuổi sâu cũng đục và ăn phần xơ mềm ở nửa phía trên của trái; có từ 1 - 2 cá thể sâu/trái; vết đục của sâu mở đường cho vi sinh vật xâm nhập vào trái khiến trái bị rụng (hình 1). Dễ dàng phát hiện và phân biệt được vết đục do sâu gây ra so với vết đục của bọ vòi voi: vết đục của sâu thường rộng hơn và sâu hơn (đục tới gáo dừa); bên ngoài vết đục có nhiều phân do sâu thải ra. Trên một trái dừa có thể cùng lúc bị bọ vòi voi và sâu cùng gây hại. Cây dừa bị sâu tấn công nặng, quày dừa bị rụng trái rất nhiều, đôi khi chỉ còn một vài trái trên quày. Tuy nhiên, trái non bị rụng thường rơi vào nách lá dừa, ít rơi xuống đất nên nông dân không quan sát được triệu chứng sâu đục trên trái; lầm tưởng là dừa bị rụng sinh lý hay thời tiết…
Tập tính sinh sống và gây hại
Trong khi theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, đặc điểm sinh học và tập tính gây hại của loài sâu mới này rất giống với sâu đục bông (hại dừa), có tên khoa học là Tirathaba rufivena (Walker), thuộc họ ngài sáng (Pyralidae), bộ cánh vảy (Lepidotera), được mô tả trong giáo trình côn trùng gây hại cây trồng chính ở ĐBSCL của các tác giả PGS.TS. Nguyễn Văn Huỳnh và TS. Lê Thị Sen. Theo đó, tập quán sinh sống và cách gây hại của loại sâu này như sau: bướm đẻ trứng trên cả bông đực và cái trên những vườn dừa non. Sâu nhả tơ kết dính các hoa đực tạo nơi trú ẩn, làm hoa không rơi xuống được, do đó quày bông trông có vẻ bẩn. Sâu nhỏ thường ăn bông đực tạo đường hầm, kéo tơ. Hoa cái hoặc trái non chỉ bị hại khi sâu đã lớn. Sâu ăn trên phát hoa mới nở ra, đục vào trái. Sâu chỉ thích tấn công trái dưới 4 tháng tuổi, thiệt hại có khi đến 50%. Sâu có đầu màu nâu đen, thân màu trắng khi ăn trên hoa, trái còn tươi và có màu sậm khi ăn trên hoa, trái đã rụng; mỗi đốt có nhiều chấm màu nâu nhạt trên lưng và những sợi lông thưa (hình 2). Sâu đẫy sức có màu nâu nhạt hoặc đậm, dài khoảng 40 mm.
Sâu thường gây hại trái dừa vừa đậu trái đến khi trái có đường kính lớn nhất khoảng 6 cm. Đôi khi sâu có thể phá hại trên những trái từ 5 - 6 tháng tuổi nhưng chỉ ăn được phần mềm phía trên, tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công tiếp theo. Sâu thích ẩm độ cao nên xuất hiện và gây hại mạnh vào các tháng 7, 8, 9 và sâu tiếp tục sống trong trái ngay cả khi trái đã rụng, mật số sâu giảm rõ rệt vào các tháng 10, 11, 12 hàng năm.
Năm 2013, mùa mưa đến sớm, từ tháng 4 đã có nhiều đám mưa, tháng 5 - 6 mưa nhiều, ẩm độ không khí cao có thể là điều kiện khiến sâu đang phát triển mạnh trong thời điểm hiện nay.
Biện pháp phòng trị tạm thời
Đây là loài sâu hại mới ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu đầy đủ về quy trình phòng trừ loài sâu này; tạm thời có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Thành phần và số lượng thiên địch của sâu ngoài thiên nhiên rất phong phú, do vậy không nên lạm dụng thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến quần thể thiên địch. Chỉ nên sử dụng thuốc để trừ khi sâu bộc phát thành dịch. Vệ sinh vườn dừa để tạo thông thoáng, giảm độ ẩm trong vườn; chặt bỏ bông và quày dừa đã bị hại và hủy đi để diệt nhộng, thu gom và tiêu hủy trái (đã rụng) có sâu sống bên trong giúp làm giảm được mật số của sâu rất đáng kể. |