Cơ khí [ Đăng ngày (23/06/2013) ]
Máy dò luồng cá biển
Dựa vào nguyên lý lan truyền của sóng âm trong môi trường vật chất đàn hồi, người ta đã chế tạo ra các thiết bị dò tìm các đàn cá trong nước. Máy dò cá bằng phương pháp siêu âm là một trong những thiết bị chuyên dùng khai thác thủy sản mang lại năng suất cao.

Màn hình màu, hiện thị đàn cá và các thông số khác

Nguyên lý làm việc là: Khi chùm tia siêu âm phát ra từ máy dò luồng cá chạm vào đàn cá thì một phần năng lượng bị phản xạ trở lại, một phần bị hấp thu, cũng có thể trở thành một nguồn phát sóng “bức xạ thứ cấp”.

Sóng siêu âm phản xạ trở lại sẽ được đầu dò của máy thu lại và hiển thị trên màn hình, cho biết rõ vị trí, độ lớn đàn cá.

Sóng siêu âm phản xạ về vừa phụ thuộc vào loài cá, kích thước cá và hướng truyền tới. Đàn cá luôn thay đổi vị trí trong nước làm biến thiên liên tục “góc tới” của chùm tia siêu âm.  Sóng “bức xạ thứ cấp” cũng chứa đựng nhiều thông tin về loài cá, kích thước…

Cấu tạo máy dò gồm khối phát xung siêu âm: dưới tác dụng điều khiển của xung đồng bộ, khối này sẽ tạo ra một tín hiệu điều hòa ở tần số siêu âm với thời gian tương ứng. Tần số siêu âm có độ ổn định càng cao càng tốt. Muốn có công suất xung siêu âm phát vào nước biển cao thì phải có tín hiệu điện kích thích vào đầu dò lớn tương ứng.

Đầu dò (Transducer-đầu phát) là một bộ chuyển đổi năng lượng điện thành cơ khi phát và cơ thành năng lượng điện khi thu. Trong một số máy hiện đại ngày nay đầu dò còn được lắp đặt thêm các bộ cảm biến để đo tốc độ tàu và nhiệt độ nước biển. Đầu dò được lắp ở đáy tàu, ngâm dưới nước. Đầu dò có thể di chuyển “tiêu cự quét” được khoảng 250mm đến  400mm để thay đổi góc, cự ly dò...

Khối khuếch đại thu có nhiệm vụ chọn lọc tín hiệu phản xạ từ đàn cá hay đáy biển trở về, xử lý phù hợp rồi hiển thị. Vì tín hiệu phát và tín hiệu phản xạ đều chịu sự phân tán năng lượng sự suy hao trên đường truyền, nên khối này phải có hệ số khuếch đại đủ lớn, có tính chống nhiễu cao, chứa nhiều mạch xử lý đặc biệt.

Hiển thị luồng cá là nơi thể hiện kết quả thăm dò. Những phương pháp phổ biến hiện nay là chỉ thị bằng còi, bằng băng giấy, bằng đèn, bằng màn ảnh đen trắng, màn ảnh màu (CRT), màn ảnh tinh thể lỏng (LCD) và chỉ thị số. Mỗi phương pháp chỉ thị đều có ưu khuyết điểm của riêng.

Hiển thị bằng màn hình là một phương pháp hiện đại, thông tin được xử lý nhanh và đa dạng, với màn ảnh màu giúp ta đánh giá được mật độ của đàn cá, tính chất của đáy biển. Độ mạnh dội âm được hiển thị bằng màu đậm nhạt, luồng cá được quy ước bằng màu khác. Màn hình có thể chỉnh được độ tương phản giữa nền đáy và luồng cá…

Chỉ thị bằng màn ảnh có thể thực hiện được nhiều kiểu đặc biệt và cho phép ghép nối các thiết bị điện hàng hải với nhau dễ dàng, nhờ công nghệ số hóa như: Bộ nhớ đường đi 8000 điểm, nhờ kết nối GPS biết được tọa độ tàu đang vận hành. Các máy dò có nguồn điện một chiều 12 hoặc 24 vol.

Máy dò luồng cá CH250 của hãng FURUNO, tầm dò đến 800m với 8 chế độ vận hành, kết hợp các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho các thuyền trưởng có thể vừa quan sát đàn cá từng vị trí xung quanh tàu, vừa quan sát mặt cắt không gian nước xung quanh tàu, ước lượng được mức độ tập trung của đàn cá… nhờ đó tăng xác suất bắt gặp các đàn cá cao hơn nhiều lần.

Theo báo cáo nghiệm thu kết quả khai thác khảo nghiệm máy dò ngang ở tỉnh Ninh Thuận, lượng khai thác cao hơn 180% đến 220%, hiệu quả kinh tế cao hơn 200% đến 250% so với các tàu tương đương về công suất, ngư cụ, ngư trường khai thác.

Do xác suất phát hiện đàn cá cao hơn, thời gian vận hành của tàu ít hơn, do đó giảm thiểu được nhiên liệu trong cả hành trình khai thác.

Trần Cung (tổng hợp)
Theo www.chinhphu.vn(ttncac)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Nghiên cứu đánh giá lượng chất thải rắn bị rò rỉ ra môi trường khu vực quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày nay, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) do con người thải bỏ tại các đô thị phần lớn đã được thu gom, tuy nhiên vẫn còn một phần bị rò rỉ và xả thải vào môi trường. Vì vậy, đánh giá lượng rác và thành phần rác bị rò rỉ ra môi trường là cần thiết trong bối cảnh công tác BVMT ngày càng được quan tâm. TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn nhất Việt Nam, có khoảng 9 triệu người. Hiện nay, ước tính mỗi ngày trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.800 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98 kg/người/ngày. Với tỷ lệ thu gom là 91% thì trung bình mỗi ngày ước tính sẽ có gần 900 tấn rác chưa được thu gom đúng cách, lượng chất thải này sẽ phát tán vào môi trường, theo các kênh rạch, sông chảy ra biển. Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, chất thải nhựa dễ bị phân rã thành các mảnh vụn nhỏ và vi nhựa, dễ dàng rò rỉ vào môi trường.




Video  
 

Video

 



© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - Quận Ninh Kiều - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->