Tự nhiên [ Đăng ngày (20/02/2013) ]
Tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch ở Nga
Những mảnh vỡ của một thiên thạch vừa được tìm thấy ở vùng Urals của Nga, nơi nó lao xuống và phát nổ làm 1.200 người bị thương hồi cuối tuần qua.

Các nhà khoa học xác nhận tìm thấy mảnh vỡ thiên thạch tại khu vực hồ Chebarkul, vùng Chelyabinsk. Ảnh: AFP 

Quả cầu lửa được nhìn thấy lao xuống từ bầu trời vùng Chelyabinsk, cách Moscow 1.500 km về phía đông sáng 15/2, theo sau đó là những tiếng nổ lớn.

BBC đưa tin các nhà khoa học phát hiện các mảnh vỡ quanh hồ Chebarkul đã đóng băng ở vùng này. Trong khi khoảng 9.000 người đang hỗ trợ công tác dọn dẹp và cứu hộ sau vụ việc, các nhà khoa học đã phát hiện một miệng hố rộng 6 m tại đây sau vụ việc.

"Chúng tôi vừa hoàn tất công việc. Chúng tôi xác nhận rằng vật thể mà đoàn thám hiểm chúng tôi tìm thấy tại khu vực hồ Chebarkul thực sự mang bản chất thiên thạch", Viktor Grohovsky, thuộc đại học liên bang Urals nói. "Đây là một thiên thạch đá, chứa 10% sắt. Nó có thể được đặt tên là thiên thạch Chebarkul".

Một nhóm gồm 6 thợ lặn tổ chức tìm kiếm ở đáy hồ nhưng không phát hiện được gì. Cuộc tìm kiếm có khả năng bị trì hoãn cho đến mùa xuân, khi tuyết tan.

Các nhà khoa học Nga cho hay thiên thạch nặng khoảng 10 tấn trước khi bay vào tầng khí quyển của Trái đất, di chuyển với tốc độ khoảng 30 km/giây, trước khi vỡ ra ở vị trí cách mặt đất 30-50 km.

Tuy nhiên, Cơ quan Không gian Mỹ NASA, cho biết thiên thạch rộng 17 m và nặng 10.000 tấn trước khi đi vào tầng khí quyển, tỏa ra khoảng 500 kiloton năng lượng, gấp hơn 30 lần quả bom nguyên tử tàn phá thành phố Hiroshima trong Thế chiến II.

Các nhà khoa học cho rằng không có mối liên hệ nào trong vụ việc ở Urals với sự kiện 2012 DA14, một tiểu hành tinh xẹt ngang Trái đất vào cuối ngày 15/2 ở khoảng cách 27.700 km, gần nhất đối với một vật thể có kích cỡ kiểu này.

Theo giới chức Nga, vụ tấn công trên của thiên thạch gây thiệt hại một tỷ rup, tương đương 33 triệu USD. Theo ước tính, 200.000 mét vuông cửa sổ đã bị vỡ tung, bắn hàng loạt mảnh kính ra ngoài và là nguyên nhân chính khiến hơn 1.000 người bị thương.

Những vụ tấn công của thiên thạch như trên rất hiếm khi xảy ra ở Nga, nhưng một thiên thạch từng được cho là nguyên nhân tàn phá khu vực rộng hơn 2.000 km vuông ở Siberia năm 1908.

Anh Ngọc
Theo http://vnexpress.net (nthieu)
In bài viết  
Bookmark
Ý kiến của bạn

Xã hội-Nhân văn  
 
Sống chậm lại – yêu thương nhiều hơn
Dường như trong cuộc đời mỗi người đều đều sẽ phải trải qua những khoảng thời gian rơi vào guồng quay của công việc: ngày đi làm, tối về việc gia đình, rồi đi ngủ, sáng hôm sau một chu trình như vậy lại được lặp lại. Trong guồng quay đó, mọi người đã có lúc bỏ lỡ những giá trị của cuộc sống thậm chí không còn chút khoảng lặng để chính mình được nghỉ ngơi rằng tại sao lại sống vội vã đến thế. Những lúc như thế nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ép buộc bản thân mình quá mà hãy để cơ thể và tâm trí bạn có cơ hội để nghỉ ngơi.


 

Video




© Copyright 2020 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Địa chỉ: 118/3 Trần Phú - Phường Cái Khế - thành phố Cần Thơ
Giấy phép số: 05/ GP-TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền Thông thành phố Cần Thơ cấp ngày 23/5/2017
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Minh Hải - Giám Đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học & Công nghệ TP. Cần Thơ
Ghi rõ nguồn www.trithuckhoahoc.vn khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này
-->