Trong khuôn khổ của dự án cấp Bộ “Điều tra đánh giá các công trình bảo vệ bờ trên hệ thống sông Cửu Long và hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai” thực hiện năm 2008 - 2009 và cùng với kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án có liên quan, nghiên cứu đã phân tích, đánh giá tóm tắt các loại công trình kè bảo vệ sông (kênh, rạch) và đánh giá nguyên nhân gây hư hỏng các loại công trình đã xây dựng trên hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn (ĐN-SG).
Do đặc điểm về hình thái sông, địa hình, địa chất, thủy văn trên hệ thống sông ở ĐBSCL và hạ du sông ĐN-SG, các công trình chỉnh trị ở đây có nhiều điểm khác biệt so với các công trình chỉnh trị trên sông ở miền Bắc và miền Trung như: lòng sông rất rộng và sâu, sự thay đổi mực nước trong mùa lũ và mùa kiệt không lớn, lòng sông mùa kiệt không khác biệt gì đáng kế so với dòng sông mùa nước trung và mùa lũ, cho nên phần lớn các công trình nằm trong nước. Hệ thống sông ở ĐBSCL được hình thành và phát triển trên nền trầm tích phù sa trẻ, tính kháng xói của bờ và lòng sông rất kém, địa chất nền yếu làm cho công trình dễ bị hư hỏng do biến dạng lún. Hầu hết các công trình trên hệ thống sông ở ĐBSCL không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy. Các sông, kênh, rạch nối liên thông nhau tạo thành một mạng lưới sông, kênh, rạch khá dày đặc, làm cho dòng chảy phức tạp, tạo các vùng xoáy, các hố xói sâu vận tốc mạch động lớn, rất dễ bị xói nhất là ở các khu vực phân , hợp lưu. Hoạt động khai thác dòng sông phục vụ giao thông thủy lớn hơn rất nhiều so với sông ngòi miền Bắc và miền Trung.
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, công trình bảo vệ bờ sông nói riêng và chỉnh trị sông nói chung, từ thô sơ đến bán kiên cố và kiên cố ở trên hệ thống sông ở ĐBSCL và ĐN-SG mặc dù đa số đã phát huy tác dụng, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm cần thiết phải có đầu tư nghiên cứu để giảm thiểu những hư hỏng, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân. Đặc biệt ở các công trình bán kiên cố và kiên cố, do điều kiện tự nhiên và đặc điểm công trình bảo vệ bờ ở ĐBSCL cũng như hạ du sông ĐN-SG có nhiều khác biệt so với miền Bắc và miền Trung, cần có những nghiên cứu bổ sung quy trình quy phạm phù hợp để giúp cho các công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý các công trình ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần bảo đảm ổn định phát triển kinh tế xã hội trong vùng./. |