Thiệt hại do gió mạnh, gồm bão, tố, lốc là thiệt hại lớn nhất trong các loại thiên tai. Do tần suất xuất hiện lớn, tác hại gián tiếp nhiều, phạm vi ảnh hưởng rộng nên gió mạnh thường gây ra các tổn thất to lớn về kinh tế cũng như tính mạng con người. Hiện nay, mặc dù công tác dự báo bão có nhiều tiến bộ, nhưng thiệt hại do bão gây ra vẫn vô cùng lớn. Về địa lý, nước ta nằm trong khu vực Tây bắc Thái Bình Dương, là vùng cận nhiệt đới, với địa nhiều nhiều đồi núi và đường bờ biển dài 2000km, thuộc vùng có tần suất xuất hiện của bão nhiệt đới lớn nhất trên thế giới. Mặc khác, do điều kiện kinh tế của đa số người dân nông thôn khu vực này còn nghèo, nên phần lớn các công trình thường xây dựng theo phương pháp truyền thống, vật liệu xây dựng là vật liệu sẵn có của địa phương như: gỗ, tre, nứa, gạch, đá thông thường… chất lượng xây dựng không cao.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, nghiên cứu về chống gió cho công trình là công việc có ý nghĩa, cần được thực hiện. Đối với thực tiễn tại nước ta khi mà hầu hết các dạng nhà ở dân dụng thấp tầng được tự làm trên cơ sở kinh nghiệm (không tuân thủ hoặc chưa tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn) thì việc nghiên cứu và đưa các giải pháp kỹ thuật làm giảm thiệt hại do gió gây ra hoặc các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường khả năng chịu gió bão cho các nhà dân, xây dựng trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh của bão có ý nghĩa xã hội rất quan trọng.
Nghiên cứu đi đến kết luận gió bão gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu bao che công trình của nhà thấp tầng được xây dựng không theo tiêu chuẩn hoặc bằng các vật liệu địa phương, đặc biệt là kết cấu mái của các công trình có mái dạng mái mềm (không phải bằng bê tông cốt thép). Có nhiều biện pháp giúp làm giảm các thiệt hại này như lựa chọn địa điểm xây dựng, chọn giải pháp kiến trúc, giải pháp kết cấu, các bao tải cát, xây bờ kè, … nhưng đây chỉ là biện pháp thụ động phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Thí nghiệm mô hình nhà thấp tầng trong ống thổi khí động giúp ta có thể xác định được những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất của áp lực gió (những vị trí bị hư hại trước kéo theo sự hư hại cho kết cấu hoặc công trình) từ đó có biện pháp chủ động làm giảm áp lực tại những vị trí này, giảm hư hỏng do gió gây ra cho công trình./. |