Bi kịch từ chấm phạt đền
Lúc Ashley Cole bước lên chuẩn bị cho cú đá luân lưu cuối cùng, người viết đã có cảm giác rằng hậu vệ trái của The Blues sẽ thất bại. Và cuối cùng, A.Cole sút bóng lên trời thật.
Dù Carlo Ancelotti thừa nhận sau thất bại rằng các học trò của ông đã tập sút penalty kỹ lưỡng, nhưng với thói quen không thể thắng trong các cuộc “đấu súng”, chuyện Chelsea lần thứ 7 gục ngã trước chấm luân lưu trong 8 màn sát hạch gần đây chẳng gây sốc cho bất kỳ ai. Đã từ lâu lắm rồi, người ta ngầm hiểu một lời nguyền: Chấm phạt đền chỉ mang bi kịch đến cho The Blues!
Với việc chính thức trở thành cựu hoàng tại FA Cup, siêu CLB của tỉ phú Roman Abramovich kể như đã trắng tay ở 3 đấu trường quốc nội. Ai đó có thể cãi cố với luận điệu cơ hội Premiership chưa phải đã hết, kẻ đó coi như chẳng hiểu biết gì về bóng đá. Bởi san bằng khoảng cách 12 điểm so với M.U hiện tại chính là nhiệm vụ bất khả thi với Chelsea.
Mùa trước, đoạt cú đúp. Mùa này, trắng tay? Điều gì đang xảy đến với Chelsea? Tất nhiên, vẫn còn Champions League để The Blues nuôi hy vọng. Nhưng đến cỡ giải đấu làng nhàng như Carling Cup, FA Cup mà Chelsea còn sớm bị loại thì mơ ước gì lần đầu tiên vô địch sàn đấu danh giá nhất châu Âu, với sự hiện diện của những vì tinh tú của bóng đá châu lục như Barca, Real, Inter?
Bi kịch đang xảy đến với Chelsea gợi người ta nhớ về dải ngân hà Real Madrid ở mùa giải trước…
Nhiều tiền vẫn trắng tay
Thật đáng buồn! Bởi chưa đầy 1 tháng sau sự kiện gây chấn động “phiên chợ Đông” với 2 bản hợp đồng bom tấn Fernando Torres và David Luiz, Chelsea lại đứng trước nguy cơ trắng tay. Trong tấn bi kịch của The Blues, lỗi lớn nhất thuộc về Roman Abramovich. Cách ứng xử của tỉ phú người Nga với đội bóng trong tư cách của một ông chủ giàu có, yêu bóng đá là không thể chấp nhận.
Từ mùa trước, những lời kêu cứu đã được gửi đến Roman Abramovich. Nhưng ông bặt tăm. Đến Hè vừa qua cũng vẫn vậy. Chelsea án binh bất động trên thị trường chuyển nhượng dù thống kê chứng minh họ sở hữu đội hình già cỗi nhất Premiership. Giá như Roman bạo chi sớm hơn, trong thời điểm CLB giải phóng nhiều trụ cột như Deco, Ballack, Belletti… thay vì sưu tập thuyền buồm, mua sắm bất động sản…, thì có lẽ tình cảnh của Chelsea giờ đã khá hơn nhiều.
Hành động đổ tiền của Abramovich ở “phiên chợ mùa Đông” chỉ là tự phát, trong bối cảnh Chelsea đã ở thế lưng dựa tường. Ai cũng hiểu, 75 triệu bảng mà nhà tài phiệt Nga bỏ ra là để mơ vô địch Champions League, đấu trường Chelsea còn hy vọng duy nhất. Song nếu David Luiz là một hậu vệ nên khó đủ sức cứu toàn đội thì thương vụ Fernando Torres khiến nhiều người liên tưởng đến Shevchenko. Một điểm giống nhau: Cả Sheva và El Nino đều do Abramovich tự tay mua về.
Hôm vừa rồi, chính phủ Nga buộc Roman Abramovich phải công khai tài chính. 11 tỉ bảng, 16 siêu biệt thự, siêu xe… là những siêu tài sản đã được kiểm kê. Quả thực, Abramovich vẫn rất giàu có và kiếm tiền vẫn rất tài. Nhưng cái tài ấy lại đang không được áp dụng vào Chelsea – đội bóng mà Roman tuyên bố ngưỡng mộ khi mua nó. Hệ quả là bây giờ, thay vì Chelsea trắng tay bởi thiếu tiền, họ lại rơi vào cảnh nhiều tiền quá nhưng vẫn có thể trắng tay. |