Đầu tiên, thực phẩm chứa nhiều vị và đa dạng nhất là mì gói, nào là mì vị bò, mì vị gà, mì hải sản, mì tôm chua, mì lẩu Thái chua cay… Thực tế, nhà sản xuất ghi rất rõ là mì vị bò chứ không phải là mì thịt bò, nghĩa là mì chỉ có mùi của thịt bò, chứ không phải trong thành phần có thịt. Trong mì gói chỉ có chất béo, tinh bột và một số gia vị như: ớt, tỏi, hành... mà thôi.
Món ăn chứa nhiều hương vị đậm đà gây mê trẻ em không kém mì gói là các loại bánh chiên giòn đóng gói bao bì sặc sỡ (bánh snack). Các loại bánh này làm từ bột bắp, bột gạo, bột mì... chiên giòn tẩm ướp các hương vị: bò nướng, tôm hùm… Món ăn chơi này thường dùng cho dân nhậu làm mồi. Riêng các bé, các chị phụ nữ lại thích vừa xem phim vừa ăn món giòn tan trong miệng. Điểm hấp dẫn gây nghiện của món này là vị và lượng muối đậm đặc, kích thích vị giác “dữ dội”. Theo BS Nguyễn Thị Kim Hưng - Trung tâm Giá trị sống thì: “Muối cũng có khả năng gây nghiện. Người quen ăn mặn sẽ buông đũa nếu ăn một món lạt nhách”. Như vậy, món này vừa không chứa chất dinh dưỡng từ đạm như hình vẽ, còn tập cho người tiêu dùng ăn mặn hơn. Sự tăng đô ăn mặn của món ăn chơi này về lâu dài không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Đang mùa Trung thu, các loại nhân bánh làm từ các nguyên liệu đắt tiền như: hạt sen, sầu riêng, đậu xanh, mè đen, trà xanh… được thay thế bằng các loại bột tẩm hương, màu... là chuyện dễ như trở bàn tay. Vì thế, cần chọn các đơn vị có uy tín, ghi rõ thành phần để dùng đúng nguyên liệu có chất lượng. Các loại bánh nướng thường được làm từ bột mì, bơ, đường, hương vani... Do đó cũng chỉ cung cấp calori mà thôi.

Trong số thực phẩm ăn liền chứa hương vị còn có các loại kem. Kem chất lượng cao dùng nguyên liệu từ các loại trái cây, ngũ cốc... Kem giá mềm lại có công thức: đường hóa học, hương liệu, a dao (loại dùng trong xây dựng), phẩm màu (loại dùng trong công nghiệp) để tạo độ cứng chắc nhưng dẻo dai và màu sắc bắt mắt. Để kem có độ béo nhưng không đội giá thành còn có sự tham dự của bột béo. Dùng kem này chỉ rước hóa chất vào người mà thôi. Để chọn kem có chất lượng cần xem kỹ thành phần ghi trên bao bì. Kem càng có nhiều “cái” (hạt đậu xanh, hạt đậu đen, chuối…) vừa ăn kem lạnh vừa nhai “lổn nhổn” càng tốt, vì chứng tỏ làm từ nguyên liệu thiên nhiên chứ không dùng hương vị.
Các loại kẹo sản xuất từ nông thôn có thân hình mềm mại như kẹo dừa, kẹo chuối… được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, còn các loại kẹo có thân hình cứng chắc, đa phần chỉ làm từ hương liệu và đường. Mặc dù phong phú về chủng loại nhưng nước ngọt có gas có chung một công thức: nước sạch, đường hoặc đường lấy từ mật bắp để thay thế cho đường tinh chế, caffein, khí carbonat dioxid, hương, vitamin C, nước chiết của hạt cola, lá coca. Các loại nước dành cho người ăn kiêng sẽ thay đường bằng đường hóa học aspartame. Với những món nước yêu cầu vị chua họ sẽ cho thêm acid xitric và một số tinh dầu cam, chanh, nhục đậu khấu, quế v.v… Cùng công thức với nước ngọt có gas còn có si rô hương dâu, hương nho, hương trái vải… Mùi vị khi uống không khác hương thật là mấy, thậm chí còn “đã” hơn vì đã quen vị từ lâu rồi. BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Các sản phẩm chỉ chứa tinh bột, đường, chất béo và hương, vị nêu trên thuộc loại cung cấp calori rỗng vì thiếu hẳn sinh tố và khoáng chất. Khi dùng các sản phẩm này, cơ thể sẽ huy động sinh tố khoáng chất dự trữ để chuyển hóa lượng calori này. Tuy nhiên, các sinh tố, khoáng chất mà cơ thể dùng lại là loại dự trữ ít, ngắn hạn (sinh tố nhóm B, C, sắt, đồng, kẽm…). Vì thế, không nên dùng thường xuyên các sản phẩm này vì có hại cho sức khỏe (thiếu hụt sinh tố, khoáng chất)”.
Như vậy, khi ăn mì gói, chỉ cần bổ sung thêm vài lát thịt bò và rau, giá là đủ cho một bữa ăn cân đối với các thành phần đạm, tinh bột, rau. Trong trường hợp chọn món mì gói thì nên ăn bù đạm, rau, củ, quả vào bữa kế tiếp trong ngày. Tương tự, các loại bánh snack có thể dùng với gỏi đu đủ, gỏi dưa leo cà chua, hoặc ăn trái cây sau khi vui miệng với vị giòn tan này cũng là một lựa chọn khôn khéo.
|